Trước thực trạng điểm số và thứ hạng các Chỉ số hiệu quả Quản trị và hành chính công (PAPI), Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) và Chỉ số hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) của tỉnh Bình Thuận trong nhiều năm liên tục chậm được cải thiện và nằm ở thứ hạng thấp trong bảng xếp hạng chung của cả nước; ngày 07 tháng 9 năm 2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận (khóa XIV) đã ban hành Chỉ thị số 11-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc nâng cao các chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PAPI, PCI của tỉnh giai đoạn 2021 – 2025. Tiếp đó, UBND tỉnh Bình thuận cũng đã ban hành kế hoạch để cụ thể hóa và triển khai đồng bộ, quyết liệt trong hệ thống chính quyền và các cơ quan nhà nước. Với những quan điểm, phương châm chỉ đạo cụ thể và các giải pháp mang tính quyết tâm cao; chỉ trong một quảng thời gian ngắn từ khi có Chỉ thị số 11-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các Chỉ số hiệu quả Quản trị và hành chính công (PAPI) và Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh Bình Thuận đã có sự đột phá tích cực, cải thiện thứ hạng đáng kể trong bảng xếp hạng chung của cả nước.
Đối với Chỉ số PAPI, kết quả khảo sát, phân tích, đánh giá năm 2021 vừa được công bố vào ngày 10/05/2022 vừa qua, tỉnh Bình Thuận đã vươn lên vị thứ 12/63 tỉnh, thành phố với điểm đạt được là 44,51 điểm; tăng kỷ lục 41 bậc so với năm 2020 (năm 2020 xếp thứ 53/63 tỉnh, thành phố). Các chỉ số thành phần của PAPI năm 2021 có sự tiến bộ nhiều dẫn đến cải thiện thứ hạng chung của tỉnh là nội dung kiểm soát tham nhũng trong khu vực công (7,399 điểm), nội dung cung ứng dịch vụ công (7,862 điểm), nội dung sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở và công khai trong việc ra quyết định ở địa phương. Đối với Chỉ số PCI, theo công bố của Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), năm 2021 tỉnh Bình Thuận vươn lên vị trí thứ 21/63 tỉnh, thành phố, với tổng điểm là 65,96; tăng 13 bậc so với năm 2020; nằm vị trí giữa trong nhóm 20 tỉnh, thành phố thuộc nhóm khá. Như vậy, với kết quả này thì năm 2021 là năm mà tỉnh Bình Thuận đạt được ở vị trí cao nhất trong 5 qua tính từ năm 2017 đến năm 2021. Các chỉ số thành phần của PCI có mức điểm cao và có sự tăng điểm so với năm 2020 như dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, tính năng động của chính quyền, chi phí về thời gian và tính minh bạch…
Tuy nhiên, kết quả khảo sát, đánh giá năm 2021 cũng cho thấy có những tiêu chí mà tỉnh Bình Thuận cũng cần quan tâm lãnh đạo, thúc đẩy hơn nữa để được đạt kết quả tốt hơn như chỉ số thành phần về quản trị môi trường, về quản trị điện tử của chỉ số PAPI; các chỉ số thành phần về đào tạo lao động, về gia nhập thị trường và về cạnh tranh bình đẳng của chỉ số PCI.
Với sự nỗ lực cố gắng của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong tỉnh, cùng với những giải pháp đột phá, mạnh mẽ, quyết liệt mà Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo; kết quả đạt được trong đánh giá, xếp hạng của các Chỉ số PAPI, PCI năm 2021 là tín hiệu đáng mừng và tăng thêm niềm tin vào sự chuyển động, phát triển của tỉnh Bình Thuận trong năm 2022 và những năm tiếp theo./.