Từ khi tái lập tỉnh Bình Thuận vào năm 1992 đến nay, Ban Dân vận Tỉnh ủy với nhiệm vụ nghiên cứu, chủ trì, phối hợp tham mưu, đề xuất xây dựng, cụ thể hóa và triển khai tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết về công tác dân vận, công tác dân tộc, công tác tôn giáo và phát huy quyền làm chủ của nhân dân trên địa bàn tỉnh; tham mưu sơ kết, tổng kết, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát,… việc thực hiện chủ trương về công tác dân vận; tham mưu cấp ủy tăng cường, đổi mới lãnh đạo đối với hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội, hội quần chúng. Phối hợp với các cơ quan, ban, ngành theo dõi, tổng hợp tình hình, báo cáo và tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời về công tác dân vận và những vấn đề phát sinh trong nhân dân. Ban Dân vận Tỉnh ủy đã tích cực tham mưu Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành nhiều chủ trương, đề ra những giải pháp, biện pháp cụ thể nhằm tăng cường, đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận phù hợp với tình hình thực tế của từng giai đoạn; tập trung phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh các phong trào hành động cách mạng, chăm lo tốt đời sống nhân dân. Nổi rõ trong giai đoạn từ năm 1992 đến năm 2010 là:
- Giai đoạn từ năm 1992 đến năm 2000: Trọng tâm công tác dân vận trong giai đoạn này là triển khai cụ thể hóa Nghị quyết hội nghị lần thứ tám của BCH Trung ương Đảng (khóa VI) về đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân (NQ8B) với 4 quan điểm chỉ đạo: Cách mạng là sự nghiệp của dân, do dân và vì dân; động lực thúc đẩy phong trào quần chúng là đáp ứng lợi ích thiết thực của nhân dân và kết hợp hài hòa các lợi ích, thống nhất quyền lợi với nghĩa vụ công dân; các hình thức tập hợp nhân dân phải đa dạng; công tác quần chúng là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể. Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo cấp ủy, tổ chức Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đẩy mạnh và đổi mới hoạt động nhằm cải thiện, chăm lo đời sống, thực hiện chính sách tương trợ, đền ơn đáp nghĩa; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân; phát huy quyền làm chủ của nhân dân; củng cố niềm tin, thắt chặt mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân.
- Giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2010: Trọng tâm công tác dân vận là xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy quyền làm chủ của nhân dân; đẩy mạnh công tác dân vận trên các lĩnh vực; phát huy trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đối với công tác dân vận. Nổi rõ là việc triển khai, cụ thể hóa Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11, ngày 20/04/2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; Quyết định số 290-QĐ/TW, ngày 25/02/2010 của Bộ chính trị ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị. Đặc biệt là Tỉnh ủy đã ban hành các Nghị quyết quan trọng trên các lĩnh vực như: Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 27/5/2002 về xây dựng và phát triển toàn diện dân sinh, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Nghị quyết số 14-NQ/TU, ngày 08/10/2003 về xóa đói, giảm nghèo, đầu tư cơ sở hạ tầng xã nghèo và hỗ trợ nhà ở cho người nghèo; Nghị quyết số 15-NQ/TU, ngày 08/10/2003 về công tác dân tộc; Nghị quyết số 16-NQ/TU, ngày 08/10/2003 về công tác tôn giáo; Nghị quyết số 17-NQ/TU, ngày 08/10/2003 về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Qua đó, đã giải quyết đáng kể những khó khăn trong sản xuất và đời sống của nhân dân, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền.
Có thể thấy, giai đoạn 1992 – 2010, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cả hệ thống chính trị trong toàn tỉnh đã tích cực vào cuộc làm công tác dân vận, hướng mạnh về cơ sở, chăm lo cho cuộc sống, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của nhân dân.
Còn tiếp