Tỉnh Bình Thuận có 10 đơn vị hành chính cấp huyện (01 thành phố, 01 thị xã và 8 huyện, trong đó có 01 huyện đảo), 124 đơn vị hành chính cấp xã (19 phường, 12 thị trấn và 93 xã), 691 thôn, khu phố với khoảng 1,258 triệu người; có 35 dân tộc, trong đó, có 34 dân tộc thiểu số với 25.500 hộ/105.092 khẩu, chiếm hơn 8,3% dân số toàn tỉnh; 100% xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số có đường ô tô thảm nhựa thông suốt đến trung tâm xã, được phủ sóng phát thanh, truyền hình; 90% hộ sử dụng điện lưới quốc gia; hơn 88,3% hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh; 100% xã thuần đồng bào dân tộc thiểu số có nhà văn hóa; 100% thôn, bản có nhà sinh hoạt cộng đồng (số liệu cuối năm 2021).
Với đặc điểm là tỉnh có nhiều thành phần dân tộc sinh sống; các dân tộc thiểu số có dân số không đều, cư trú xen kẽ, rộng khắp trên địa bàn tỉnh; mỗi dân tộc lại có bản sắc văn hóa, phong tục tập quán, lễ hội riêng đã tạo nên tính đa dạng và phong phú trong không gian văn hoá chung của tỉnh Bình Thuận. Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đời sống, kinh tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được nâng lên; cùng với đó, Bình Thuận đã ban hành một số chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội như: chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hỗ trợ học sinh, sinh viên; đầu tư ứng trước, trợ cước, trợ giá; hỗ trợ phát triển cây cao su; giao khoán bảo vệ rừng; cấp đất sản xuất; xây dựng các khu tái định cư... Từ đó, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào ngày càng được cải thiện; hệ thống giao thông đi lại được thuận lợi; bản sắc văn hoá tốt đẹp dân tộc được giữ gìn, khối đại đoàn kết các dân tộc ngày càng thắt chặt; lòng tin của đồng bào đối với Đảng, Nhà nước được giữ vững. Những kết quả trên có sự đóng góp quan trọng của công tác tuyên truyền ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, từ đó đã thay đổi trong nhận thức và hành động của đồng bào, tích cực tham gia học tập, phát triển kinh tế để vươn lên thoát nghèo, nâng cao tinh thần cảnh giác, giữ gìn đoàn kết trong cộng đồng.
Tuy nhiên, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, mặt bằng dân trí ở một số nơi còn thấp. Bên cạnh đó, một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể chưa thật sự chú ý, coi trọng công tác tuyên truyền ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nội dung, hình thức chưa thật sự đổi mới, chưa thật sự sâu sát, thấu hiểu, gần gũi với đồng bào. Trong khi đó, các phần tử xấu và thế lực thù địch đã lợi dụng những khó khăn trong đời sống, sản xuất và sự thiếu hiểu biết về chủ trương, pháp luật của một bộ phận đồng bào, sự chênh lệch mức sống giữa vùng miền... để mua chuộc, dẫn dụ. Do vậy, công tác tuyên truyền các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh luôn là nhiệm vụ quan trọng và phải làm thường xuyên; trong đó cần quan tâm thực hiện các giải pháp sau:
Một là, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đối với công tác tuyên truyền, quán triệt, triển khai và thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách phải sát với nhu cầu đời sống, sản xuất của đồng bào, phù hợp với từng đối tượng thì chủ trương, chính sách đó mới đi vào cuộc sống một cách thiết thực; phát huy đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, kể cả chuyên trách và cộng tác viên; đồng thời, thường xuyên tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của đồng bào, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào để có phương pháp tuyên truyền hiệu quả nhất.
Hai là, phát huy hơn nữa vai trò người có uy tín, các vị chức sắc, già làng, trưởng bản. Có thể khẳng định rằng, họ chính là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nhân dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; là người tích cực, gương mẫu đi đầu trong tuyên truyền, thực hiện và vận động đồng bào hưởng ứng các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; phòng, chống các âm mưu chống phá đất nước của các thế lực thù địch, góp phần tích cực trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.
Ba là, nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác thông tin, tuyên truyền. Để công tác tuyên truyền đạt được hiệu quả cao, người làm công tác tuyên truyền phải hiểu rõ, bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những vấn đề, nội dung cần tuyên truyền; trong đó, chú trọng nội dung, cách thức tuyên truyền đối với từng đối tượng theo hướng ngắn, gọn, dễ hiễu, dễ làm; lựa chọn những vấn đề sát với đời sống, sản xuất và giải quyết các vấn đề bức xúc của đồng bào. Bên cạnh đó, chính quyền cần quan tâm đầu tư về phương tiện, thiết bị phục vụ cho công tác tuyên truyền gắn với chính sách khen thưởng, động viên, chia sẻ đối với các lực lượng làm công tác tuyên truyền ở vùng đồng bào dân tộ thiểu số.
Bốn là, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, khơi dậy tính tự lực, tự cường của đồng bào trong việc phát triển kinh tế để vươn lên thoát nghèo; hỗ trợ xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, trang trại nhằm nâng cao thu nhập, đời sống; xây dựng, nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo”, kịp thời biểu dương, khen thưởng các điển hình “Dân vận khéo”, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Năm là, quan tâm xây dựng hệ thống chính trị ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số vững mạnh, xứng đáng là chỗ dựa tin cậy của đồng bào, có khả năng làm thay đổi, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của đồng bào.
Thực hiện tốt công tác tuyên truyền chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước sẽ là động lực góp phần để đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh nâng cao nhận thức, phát huy ý chí tự lực, tự cường, ra sức thi đua, tích cực phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững mạnh.