Bình Thuận là một tỉnh duyên hải cực Nam Trung Bộ, có bờ biển dài 192 km, nằm dọc theo Quốc lộ 1A, tuyến đường sắt Bắc - Nam và nằm trong khu vực ảnh hưởng của địa bàn kinh tế trọng điểm phía Nam. Diện tích tự nhiên 7.992 km2, dân số 1.202.258 (theo số liệu thống kê năm 2010) có 10 huyện, thị, thành phố với 34 thành phần dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân số người Hoa có 2.375 hộ/10.344 khẩu (chiếm 0,88 % dân số toàn tỉnh), sống tập trung đông nhất ở huyện Bắc Bình với 1.370 hộ/7.604 khẩu, chiếm 73,5% dân số người Hoa toàn tỉnh. Trong tổng số người Hoa sinh sống ổn định trên địa bàn Bình Thuận, có 50% người Hoa gốc Quảng Đông, 30% gốc Triều Châu, 15% gốc Hải Nam và 5% gốc Phúc Kiến, cư trú ở 98/127 xã, phường, thị trấn; phần đông sống ở nông thôn và vùng biển (trên 70% số hộ người Hoa).
Cộng đồng người Hoa có mặt ở Bình Thuận từ lâu đời, trãi qua nhiều biến cố của lịch sử ở cố quốc, người Hoa di dân về phương Nam tìm đường sinh sống, Bình thuận là một trong những tỉnh, thành phố của Việt Nam mà người Hoa chọn, tìm đến làm ăn sinh sống và cũng từ đó họ trở thành người Việt gốc Hoa, một bộ phận không tách rời trong cộng đồng dân tộc Việt Nam. Với bước chân đầu tiên đặt lên cửa biển Phố Hài vào khoảng giữa thế kỷ 17 (nay là phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận), cộng đồng người Hoa sớm phát hiện Bình Thuận là mảnh đất trù phú, mưa thuận gió hòa, là nơi để sinh cơ lập nghiệp. Song song với quá trình di dân mở đường, lập làng, xây chợ, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, cộng đồng người Hoa luôn quan tâm xây dựng đình, chùa, miếu, mạo và các thiết chế văn hoá, tín ngưỡng dân gian phục vụ đời sống tinh thần. Điều này được minh chứng qua niên đại của những di tích văn hóa của người Hoa: Năm 1725 xây dựng chùa Bà Thiên Hậu ở Phú Hài (Phan Thiết) thờ Thánh Mẫu Thiên Hậu là vị Thánh mẫu luôn che chở và cứu giúp người bị nạn trên biển; năm 1741 xây dựng Hội quán Quảng Đông tại Phan Rí Cửa (Tuy Phong); 1756 xây dựng chùa Bà Thiên Hậu tại Chợ Lầu (Bắc Bình); năm 1778 xây dựng chùa Ông tại Phan Thiết thờ Quan Thánh Đế Quân (tức Quan Công ngài - một nhân vật lịch sử thời Tam Quốc)... Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận hiện có 07 hội quán, trong đó thành phố Phan Thiết có 05 hội quán (Phúc Kiến, Quảng Đông, Hải Nam và 02 Hội quán Triều Châu); ở thị trấn Phan Rí Cửa có 02 Hội quán (Quảng Đông và Triều Châu). Hội quán là nơi cộng đồng người Hoa thờ cúng các bậc tiền hiền, hậu hiền, tổ chức hội họp; đồng thời là nơi gợi nhớ về nguồn gốc tổ tiên, thắt chặt tình cố kết cộng đồng, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá đi đôi với việc đùm bọc, tương thân tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong làm ăn, phát triển sản xuất và ổn định cuộc sống.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-TW, ngày 17/11/1982 về chính sách đối với người Hoa trong tình hình mới và Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Chỉ thị số 256/1986/CT-HĐBT, ngày 11/10/1986 đã xác định người Hoa là công dân Việt Nam, là một trong 54 dân tộc, sinh sống bình đẳng, đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Đây là chủ trương đúng đắn, phù hợp với lòng dân, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của bà con người Hoa. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta với mục tiêu nâng cao đời sống mọi mặt và bảo vệ lợi ích chính đáng, hợp pháp của người Hoa, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể trong tỉnh thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để người Hoa ổn định cuộc sống và phát triển sản xuất, thông qua thực hiện chính sách giao đất, giao rừng, cho vay vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, gắn các cuộc vận động, nhất là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đã giúp đồng bào người Hoa ổn định tư tưởng, động viên, khuyến khích người Hoa yên tâm xây dựng cuộc sống mới, tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, góp phần xây dựng quê hương, đất nước. Nhờ đó, đã tạo cho người Hoa sự tin tưởng và thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, từ đó người Hoa dần quan tâm và tham gia vào các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội ngày càng nhiều, tỷ lệ gia đình người Hoa đăng ký và đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” hàng năm rất cao từ 95% trở lên. Đối với các vùng tập trung đông người Hoa, các cấp ủy Đảng đều quan tâm quy hoạch đội ngũ cán bộ người Hoa, bồi dưỡng phát triển đảng, phát triển đoàn, hội, cơ cấu cấp ủy huyện, cơ sở, nhiều đồng chí giữ chức vụ bí thư, chủ tịch Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã, phường, thị trấn....Trong các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động của Mặt trận, các đoàn thể nhân dân ở địa phương, nhiều người Hoa đã thể hiện tinh thần chủ động, tích cực, một số đã trở thành người đi đầu trong công tác vận động người Hoa trong xóa đói giảm nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Ngay từ những năm đầu đổi mới, với chính sách cởi mở, thông thoáng của Đảng và Nhà nước ta đã góp phần phát huy tiềm năng, lợi thế của người Hoa trong lĩnh vực kinh tế, một bộ phận người Hoa, nhất là khu vực đô thị đã mạnh dạn chuyển đổi đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh các hoạt động liên kết các thành phần kinh tế, không những ở tại địa phương mà ngày càng gắn kết với Hoa kiều và các tổ chức kinh tế ngoài nước phát triển nhiều ngành nghề, nhất là trong hoạt động thương mại và dịch vụ, làm cho hoạt động này trở nên sôi động. Đặc biệt, trong những năm gần đây đã xuất hiện nhiều doanh nghiệp trẻ người Hoa làm ăn có hiệu quả, đã đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng kinh tế của địa phương, góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 2.000 lao động ở địa phương. Đối với cộng đồng người Hoa sinh sống ở khu vực nông thôn, hầu hết đều chăm chỉ làm ăn, nhiều hộ gia đình đã đầu tư phát triển kinh tế theo hướng trang trại, trồng các loại cây công nghiệp, cây ăn quả, kết hợp với chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản có giá trị kinh tế cao. Do vậy, đời sống vật chất, tinh thần của người Hoa ở cả hai khu vực (nông thôn và thành thị) ngày càng ổn định và phát triển, mức sống của người Hoa khá hơn so với các dân tộc thiểu số khác trên cùng địa bàn, tỷ lệ hộ khá, giàu người Hoa ngày càng tăng, hộ nghèo giảm mạnh.
Cùng với cả nước, cấp ủy, chính quyền tỉnh Bình Thuận luôn đã luôn quan tâm đối với công tác giáo dục và đào tạo, nhất là ở vùng cao, miền núi, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có cộng đồng người Hoa. Nhờ đó, đã tạo điều kiện thuận lợi và bước phát triển đáng kể trong công tác giáo dục và đạo tạo đối với người Hoa cả về cấp học, ngành học và việc dạy học tiếng Hoa. Hiện nay, ở những nơi có đông người Hoa sinh sống đều có đủ trường lớp ở các cấp học, bậc học, số lượng học sinh theo học ở bậc tiểu học luôn duy trì trên 79%; bậc trung học cơ sở chiếm 36% so với số trẻ em trong độ tuổi đi học. Đến nay, cơ bản hoàn thành công tác phổ cập giáo dục tiểu học trong độ tuổi và phổ cập trung học cơ sở ở những nơi có đông người Hoa sinh sống. Riêng tại xã Hải Ninh, nơi có đông cộng đồng người Hoa sinh sống, hàng năm địa phương duy trì thường xuyên 11 lớp với hơn 300 học sinh cấp tiểu học được học tiếng Hoa; đặc biệt cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể xã Hải Ninh đã vận động các tổ chức, cá nhân trong nước và Hoa kiều đóng góp với số tiền trên 2,5 tỷ đồng và 4.000 USD để xây dựng 16 phòng học phổ cập Hoa văn, 01 thư viện, 01 sân bóng rổ, khu vui chơi cho thanh thiếu nhi và trang bị 10 bộ máy tính phục vụ giảng dạy tiếng Hoa, nhờ đó đã góp phần đáng kể vào việc nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập và rèn luyện thể chất, vui chơi, giải trí lành mạnh cho con em người Hoa tại địa phương.
Trong lĩnh vực văn hoá, nhất là các hoạt động tín ngưỡng dân gian truyền thống mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc, chính quyền các cấp luôn quan tâm tạo điều kiện cho đồng bào tổ chức các lễ hội, như: Lễ hội Nghinh Ông của người Hoa ở Phan Thiết được tổ chức 02 năm một lần vào trung tuần tháng 7 Âm lịch, Tết Nguyên tiêu, đại lễ Vu lan, đại lễ Tả Tài phán, đại lễ Đản sinh Phật Bà của người Hoa ở Hải Ninh hay ngày vía Bà Thiên Hậu... Trong dịp các ngày lễ hội, cộng đồng người Hoa ở các địa phương thường tổ chức nhiều hình thức sinh hoạt văn hoá rất phong phú và lành mạnh, như: Tổ chức văn nghệ, đêm thơ ca bằng tiếng Quảng Đông, thi đấu bóng rổ, bóng chuyền, cầu lông, cờ tướng và các đội Lân, Sư, Rồng tham gia biểu diễn... thu hút đông đảo nhân dân trong và ngoài tỉnh tham dự. Mặt khác, nhiều hoạt động văn hoá, như: Ngày hội văn hoá các dân tộc, các hội diễn nghệ thuật không chuyên, triển lãm ảnh nghệ thuật, mỹ thuật... được tổ chức quy mô cấp tỉnh và khu vực đều có sự tham gia tích cực của đông đảo người Hoa, đã góp phần tạo nên sự đa dạng và phong phú cho bản sắc văn hóa của quê hương Bình Thuận.
Có thể nói, trong những năm qua việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể các cấp của tỉnh Bình Thuận luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người Hoa. Người Hoa ngày càng tin tưởng vào đường lối đổi mới, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta, yên tâm làm ăn sinh sống, tập trung phát triển kinh tế, mở rộng sản xuất kinh doanh, gắn bó với quê hương, làng, xóm. Tinh thần đoàn kết giữa người Hoa với các dân tộc cùng chung sống trên địa bàn ngày càng được củng cố và phát triển. Các giá trị văn hoá dân tộc, các công trình kiến trúc văn hoá được giữ gìn, tôn tạo; các lễ hội truyền thống, nhất là các lễ hội dân gian mang tính đặc thù được các cấp, các ngành quan tâm và điều kiện thuận lợi, nhằm đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, sinh hoạt văn hoá ngày càng cao của bà con người Hoa, góp phần quan trọng củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới.
Kim Đê