Nhân dân các nước trên toàn thế giới lo lắng, bức xúc trước thực trạng tham nhũng; đã có nhiều nơi, nhiều người dũng cảm đứng lên đấu tranh, tố giác, đưa bọn tham nhũng ra trước ánh sáng công lý, góp phần làm cho xã hội ngày càng lành mạnh, phát triển tốt đẹp hơn.
Ngay từ khi có Đảng, có Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm phát hiện tác hại của bệnh tham nhũng từ xã hội cũ để lại, từ thái độ xa dân, sợ dân của cán bộ. Bác có nhiều bài nói, bài viết, giáo huấn các thế hệ cán bộ, đảng viên về đấu tranh phòng chống tham nhũng; đồng thời kiên quyết xử lý thích đáng đối với những đảng viên, cán bộ cố ý tham nhũng. Từ thực tiễn, kinh nghiệm, Bác giáo huấn chúng ta lưu ý là: ngoài vai trò của pháp luật, phải phát động tư tưởng của quần chúng, làm cho quần chúng khinh ghét tham ô, tham nhũng để biến hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí còn chỗ ẩn nấp, góp phần làm cho Đảng và Nhà nước ta trong sạch, vững mạnh, đủ sức lãnh đạo cách mạng thành công.
Thấm nhuần chỉ giáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh; thời gian qua Đảng, Nhà nước ta luôn biểu thị quyết tâm trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng thông qua nhiều biện pháp căn cơ với nhiều chủ trương, Nghị quyết, và luật pháp kết hợp với phát động, khích lệ các tầng lớp nhân dân tích cực đấu tranh chống tham nhũng; đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) đã góp phần đẩy mạnh cuộc đấu tranh vào chủ nghĩa tham nhũng.
Mới đây, Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) đã đánh giá, kết luận, nhấn mạnh “Với sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí đã có những chuyển biến tích cực cả về nhận thức, hành động và đạt được những kết quả bước đầu...Tuy nhiên, vẫn chưa đạt yêu cầu, mục tiêu đề ra là ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí. Tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành..., gây bức xúc trong xã hội và là thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của nhà nước”; đồng thời Nghị quyết cũng đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả, trong đó xác định “phòng chống tham nhũng, lãng phí là công việc khó khăn, phức tạp, là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Thực tiễn kinh nghiệm cho thấy, không có cuộc đấu tranh nào thành công nếu không xuất phát từ sức mạnh của toàn dân. Nước ta là nước dân chủ, tất cả quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân, có dân là có tất cả. Chính nhân dân là yếu tố quyết định tiêu diệt, nhổ tận gốc bọn giặc tham nhũng nhơ bẩn. Vì vậy, để tẩy sạch nạn tham ô, lãng phí thì không có chỗ dựa nào chắc hơn, bền hơn là dựa vào dân, không có cơ chế nào xây dựng tốt hơn bằng xây dựng lòng dân, bởi cán bộ sinh ra từ trong dân. Muốn vậy, cần phải gần dân, học hỏi ở dân, bàn bạc với dân, phải thực hành dân chủ, dân sẽ có nhiều ý kiến hay, mạnh dạn đấu tranh chống tham ô, tham nhũng. Phải phát động rộng rãi cuộc đấu tranh toàn dân đoàn kết phòng, chống tham nhũng trong tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, nhất là những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực... Phải thường xuyên tuyền truyền, động viên, biểu dương, khen thưởng các nhân tố điển hình, làm cho toàn dân thấy rõ quyết tâm của Đảng và tích cực tham gia.
Nhân dân mong muốn các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể cần phải đẩy mạnh tự phê bình và phê bình; việc nêu gương của cán bộ lãnh đạo, quản lý phải có sức thuyết phục từ những việc làm cụ thể, biểu thị quyết tâm cao trước Đảng, trước toàn dân; kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện của từng cán bộ, đảng viên. Công khai các quy chế, quy định hoạt động của tổ chức, cán bộ theo quy định, tạo điều kiện quần chúng nhân dân theo dõi, giám sát, góp ý xây dựng. Nghiên cứu đưa nội dung giáo dục phòng, chống tham nhũng vào trong nhà trường ở những bậc học, cấp học phù hợp nhằm giúp cho học sinh, sinh viên nhận thấy rõ tác hại của căn bệnh này, góp phần bồi dưỡng, giáo dục thế hệ cách mạng cho đời sau có đầy đủ chuẩn mực đạo đức về cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, xây dựng đời sống mới tốt đẹp hơn.
Trần Xuân Đông