Ngành Giáo dục và Đào tạo Bình Thuận có số lượng cán bộ, giáo viên, viên chức nữ chiếm tỷ khá cao, trên 73,3% (13.984 nữ/19.323 người). Thực hiện Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động số 08 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XI) về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; trong 05 năm qua (2007 – 2012), Ban Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Đảng ủy Sở tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, chăm lo cho công tác phụ nữ trong toàn ngành và đã đạt được những kết quả quan trọng. Nổi bật là:
Đã tập trung chỉ đạo 100% đơn vị trong ngành vận dụng, cụ thể hóa xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết hàng năm; tổ chức học tập, quán triệt để đảng viên, cán bộ, giáo viên, viên chức nắm vững những chủ trương, quan điểm của Nghị quyết, đi đôi với đẩy mạnh các phong trào thi đua xây dựng “gia đình nhà giáo văn hóa”, “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà”; triển khai thực hiện tốt các chính sách đối với cán bộ nữ, tổ chức các hoạt động khám bệnh, tham quan, nghỉ dưỡng định kỳ hàng năm, sắp xếp thời gian phù hợp để cán bộ, giáo viên nữ có con nhỏ có điều kiện hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tổ chức biên soạn và đưa giáo trình giáo dục về giới, Luật Bình đẳng giới vào chương trình giảng dạy, bồi dưỡng nâng cao kiến thức cho sinh viên, học sinh.
Ban vì sự tiến bộ phụ nữ phối hợp với Công đoàn ngành tổ chức các hình thức sinh hoạt sinh động như tọa đàm, sân khấu hóa, thi hái hoa tìm hiểu về Luật bình đẳng giới, Luật phòng chống bạo lực gia đình, tiêu chuẩn xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, hạnh phúc”; tích cực vận động, hướng dẫn cán bộ, đoàn viên nữ phấn đấu rèn luyện thực hiện tốt các tiêu chí “có sức khỏe, tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động sáng tạo, có lối sống văn minh, có lòng nhân hậu”, thành lập “Quỹ tương trợ” để kịp thời giúp đỡ những giáo viên nữ có hoàn cảnh khó khăn, công tác ở vùng sâu, vùng xa yên tâm công tác. Nhờ đó, đã góp phần tuyên tuyền, giáo dục, tác động làm chuyển biến khá rõ nét nhận của đội ngũ cán bộ, giáo viên về vai trò, vị trí của phụ nữ trong gia đình và xã hội .
Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng , bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ nữ của ngành được quan tâm đúng mức. Cấp ủy, lãnh đạo các đơn vị đã chú trọng đẩy mạnh công tác đào tạo đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, khoa học trong quy hoạch; đồng thời định kỳ hàng năm tiến hành đánh giá, rà soát, bổ sung những nhân tố mới vào quy hoạch. Điều đáng ghi nhận là từ Sở Giáo dục - Đào tạo đến các trường học đã thực hiện tốt vấn đề bình đẳng giới, chú trọng công tác phát triển đảng viên nữ, mạnh dạn bố trí, phát huy năng lực đội ngũ cán bộ nữ trong các cấp ủy, lãnh đạo. Trong 05 năm, đã đào tạo được 287 cán bộ viên chức nữ, trong đó có không ít nữ viên chức được đào tạo thạc sĩ, nâng tổng số cán bộ, nhân viên nữ có trình độ thạc sỹ lên 36 người, chiếm 67,9% so với tổng số thạc sỹ của ngành; tỷ lệ đảng viên nữ trong ngành tăng lên đáng kể 67,49% (2.757 nữ/4.085 đảng viên), cán bộ nữ tham gia các cấp ủy tăng 133 người; số cán bộ nữ được đề bạt làm lãnh đạo chủ chốt chiếm lệ 53,7% (608 nữ/1.132 cán bộ lãnh đạo). Đời sống của cán bộ, công chức nữ ngày càng được cải thiện, ổn định, an tâm cống hiến vì sự nghiệp trồng người.
Nhìn lại qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động số 08 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, những kết quả trên của ngành Giáo dục – Đào tạo Bình Thuận tuy mới chỉ là bước đầu nhưng đã góp phần quan trọng trong công tác phụ nữ của tỉnh nhà, trong đó có công tác cán bộ nữ.
Trần Xuân Đông