Mé pu là một xã trung du thuộc huyện miền núi Đức Linh, tỉnh Bình Thuận, có ranh giới phía bắc tiếp giáp với tỉnh Lâm Đồng. Xã có 09 thôn với 13.761 khẩu, có hơn 40 hộ đồng bào dân tộc K'ho, với nhiều tôn giáo cùng chung sống đoàn kết. Kinh tế địa phương chủ yếu là nông nghiệp, địa bàn rộng, dân cư đông nên gặp không ít khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng trên địa bàn.
Phát huy truyền thống anh hùng trong kháng chiến và sự nghiệp xây dựng quê hương; trong 5 năm (2007 – 2012) với sự quan tâm của các cấp, các ngành cùng với ý chí nỗ lực phấn đấu vươn lên của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể và nhân dân trong xã đã mang lại nhiều kết quả tiến bộ: kinh tế - xã hội phát triển khá, đời sống nhân dân ổn định và có cải thiện, quốc phòng an ninh được giữ vững.
Đặc biệt đối với Mé pu công tác quốc phòng an ninh luôn được chú trọng, thực hiện gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với giữ vững quốc phòng an ninh. Hàng năm, Đảng ủy xã ra nghị quyết chuyên đề lãnh đạo công tác quốc phòng - an ninh tại địa phương, đề ra các nhiệm vụ cụ thể, sát tình hình địa phương; UBND xã và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, Ban chỉ huy quân sự xã đều có kế hoạch cụ thể hóa để thực hiện. Mé pu thường xuyên quan tâm củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng và hiệu quả phối hợp hoạt động của 02 Ban chỉ đạo công tác dân vận trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh và an ninh trật tự do đồng chí Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy làm trưởng Ban.
Chủ trương của xã là mở rộng và phát huy đúng mức quy chế dân chủ cơ sở theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; tích cực đổi mới công tác giáo dục tư tưởng “lấy vận động, giáo dục làm động lực để thúc đẩy các phong trào thi đua xây dựng nền quốc phòng toàn dân”, dựa vào dân để xây dựng vững chắc công tác quốc phòng - an ninh. Thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, Nghị quyết của Đảng trên hệ thống loa phát thanh xã; đồng thời phân công cán bộ và các đoàn thể bám sát các thôn, tổ tự quản tổ chức phổ biến, quán triệt, giúp nhân dân nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác quốc phòng an ninh trong tình hình hiện nay để chủ động đối phó, cảnh giác trước những âm mưu “Diễn biến hòa bình” và “bạo loạn lật đổ” của các thế lực thù địch, các phần tử xấu, cơ hội. Bên cạnh đó, phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở địa phương đã có tác dụng thúc đẩy mạnh mẽ trong nếp nghĩ, nếp sống của nhiều gia đình, dòng tộc, nhất là trong việc tổ chức các tiệc cưới, lễ tang theo hướng văn minh hơn; giáo dục định hướng lối sống trong thanh thiếu niên, nhờ đó số thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, phạm pháp hình sự ngày một giảm.
Điểm nổi bật ở Mé pu là đã xây dựng, duy trì và nhân rộng thành công mô hình “Tiếng kẻng an ninh”, “ánh sáng an ninh thôn, xóm”, huy động toàn dân đoàn kết cảnh giác, chung tay phòng, chống các tệ nạn xã hội và trộm cắp, làm trong sạch địa bàn; vận động nhận dân ủng hộ Quỹ an ninh quốc phòng luôn vượt chỉ tiêu đề ra, bình quân trên 60 triệu đồng/năm; việcquán triệt và tổ chức thực hiện chủ trương của cấp ủy quân sự cấp trên “xây dựng lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp có số lượng hợp lý, chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của địa phương trong mọi tình huống” luôn được chú ý. Điều đáng ghi nhận là trong điều kiện nhiều địa phương trong huyện số đông thanh niên thích “ly hương” di chuyển vào các thành phố để làm thuê kiếm sống, việc điều động huấn luyện, phát triển đảng viên gặp khó khăn, hụt hẫngi; nhưng đối với xã Mé pu đã nỗ lực, kiên trì vận động “giữ chân” được thanh niên; quan tâm chăm lo, quản lý, chủ động tạo nguồn phát triển đảng viên mới, tổ chức huấn luyện dân quân dự bị đảm bảo theo các kế hoạch, chỉ tiêu đề ra.
Đến nay, lực lượng dân quân xã được đầu tư xây dựng đảm bảo chỉ tiêu trên giao (đạt 1,06% so với dân số, trong đó có 20% dân quân nữ); chất lượng chính trị được nâng lên, đảng viên đạt 19,28%, đoàn viên đạt 50,71%; chất lượng chính trị trong lực lượng dự bị động viên có chuyển biến đáng kể (đảng viên trong sỹ quan dự bị đạt 72,7%); chi bộ quân sự luôn đạt tiêu chí “chi bộ 04 tốt” và “đảng viên 05 tốt” theo yêu cầu Chỉ thị số 235 của Đảng ủy quân sự Quân khu. Điều đáng mừng là Mé pu đã xây dựng được nhà làm việc cho Ban chỉ huy quân sự xã trị giá trên 700 triệu đồng, cấp 05 ha đất tạo điều kiện để bộ phận dân quân thường trực tại xã tăng gia sản xuất, có thêm điều kiện cải thiện đời sống.
Công tác đền ơn áp nghĩa, hậu phương quân đội ngày càng có điều kiện chăm lo tốt hơn. Các gia đình có liệt sỹ, thương bệnh binh cơ bản đều có nhà ở và đời sống ổn định. Số quân nhân xuất ngũ được động viên, sắp xếp, bố trí việc làm tương đối ổn định, có tới 90% cán bộ, công chức hiện đang làm việc ở xã, thôn là sỹ quan phục viên, bộ đội xuất ngũ.
Những kết quả trên đã tô đậm thêm bức tranh truyền thống của địa phương 02 lần được phong tặng danh hiệu anh hùng; đó cũng là điều kiện, tiền đề để Đảng bộ và nhân dân Mé Pu vững bước tiến lên, sớm hoàn thành tiêu chí xã nông thôn mới, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh” trong công cuộc đổi mới của quê hương, đất nước.
Trần Xuân Đông