Tỉnh Bình Thuận là tỉnh duyên hải cực Nam Trung bộ, có tổng diện tích 7.810.4km2, với bờ biển dài 192km, diện tích vùng lãnh hải 52.000km2. Phía Bắc giáp tỉnh Ninh Thuận, phía Tây bắc giáp tỉnh Lâm Đồng, phía Tây giáp tỉnh Đồng Nai, phía Tây nam giáp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, phía Đông và phía Nam giáp với biển Đông; đại bộ phận lãnh thổ là đồi núi thấp, đồng bằng ven biển nhỏ hẹp, địa hình hẹp - ngang, kéo dài theo hướng Đông bắc và Tây nam. Dân số khoảng hơn 1,2 triệu người với 35 dân tộc; trong đó có 34 dân tộc thiểu số cùng sinh sống, lao động và học tập. Với đặc điểm tự nhiên và tình hình dân cư của Bình Thuận đã tác động đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương; nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các thế lực thù địch thường xuyên lợi dụng các vấn đề về dân tộc, về tôn giáo để xuyên tạc, kích động nhằm phá hoại, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự vào cuộc đồng bộ, kịp thời của cả hệ thống chính trị; sự đồng tình, ủng hộ, nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển ổn định, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, bộ mặt đô thị và nông thôn đã có nhiều đổi mới và khởi sắc rõ nét; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên; các hoạt động giáo dục, văn hóa, y tế được chú trọng… Tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh được duy trì ổn định, song cũng đan xen, tiềm ẩn nhiều yếu tố ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự xã hội. Đáng chú ý là các tệ nạn xã hội, hoạt động trái phép của một số tổ chức tôn giáo và tội phạm ma túy ngày càng diễn biến phức tạp; nhất là tại vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào DTTS.
Những vấn đề trên đã và đang đặt ra rất nhiều thách thức trong công tác quản lý Nhà nước về trật tự an toàn xã hội, nhất là ở địa bàn cơ sở gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi phải có các giải pháp phòng ngừa xã hội nhằm huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và quần chúng Nhân dân trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội. Để góp phần hạn chế những tệ nạn xã hội hiện nay và nhằm nâng cao hiệu quả công tác xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” trong tình hình mới theo tinh thần Chỉ thị số 09-CT/TW, ngày 01/12/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành văn bản để chỉ đạo, triển khai thực hiện; trong đó tập trung chỉ đạo xây dựng các mô hình, điển hình trong thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” và để thống nhất các bước trong quy trình xây dựng, duy trì hoạt động mô hình “Tự phòng, tự quản” bảo vệ an ninh trật tự trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” trên địa bàn tỉnh; ngày 25/5/2017, Ban Chỉ đạo tỉnh về phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội đã ban hành Quyết định số 1383/QĐ-BCĐ để làm cơ sở thực hiện chung.
Xác định công tác tuyên truyền là một trong những khâu quan trọng trong xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình của phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; hàng năm, Ban Chỉ đạo tỉnh về phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội đã phối hợp với các cơ quan truyền thông viết tin, bài tuyên truyền gương điển hình tiêu biểu trong công tác phòng, chống tội phạm, những mô hình, cách làm hay ở cơ sở để phổ biến và nhân rộng, cụ thể như đã viết các bài xã luận “Khơi nguồn sức mạnh nơi dân”, “Hiệu quả của mô hình Camera an ninh trên địa bàn huyện Đức Linh”, “Gương điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc - Ông Huỳnh Minh - Trưởng ban bảo vệ khu phố thị trấn Tân Minh - huyện Hàm Tân” và nhiều phóng sự tuyên truyền, giới thiệu những cách làm hiệu quả, sáng tạo về công tác phòng, chống ma túy ở các đơn vị, địa phương. Qua đó, nâng cao nhận thức của quần chúng Nhân dân trong việc tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm; cung cấp các nguồn tin có giá trị giúp lực lượng công an đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các vụ việc kịp thời ngay từ cơ sở.
Bên cạnh đó, lực lượng Công an nhân dân đã chủ động phối hợp với nhiều cơ quan, ban, ngành, đoàn thể xây dựng, ký kết, thực hiện nhiều quy chế, thông tư phối hợp trong công tác bảo vệ an ninh trật tự và hằng năm đều tiến hành tổ chức sơ kết, tổng kết. Do vậy, tình hình an ninh trật tự trong các cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường và địa bàn dân cư có nhiều chuyển biến rõ nét; phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" được củng cố, phát triển, đã có nhiều mô hình, điển hình tiên tiến trong giữ gìn an ninh trật tự ở cơ sở. Trong 5 năm qua (từ năm 2017 - 2022), toàn tỉnh đã xây dựng, nhân rộng và duy trì hoạt động 06 nhóm mô hình tại 741 địa bàn dân cư với 10.349 thành viên Tổ nòng cốt và 38 mô hình trong các cơ quan, doanh nghiệp và trường học. Trong đó, có 295 mô hình do lực lượng Công an quản lý, 446 mô hình do tổ chức đoàn thể quản lý và duy trì hoạt động tại địa bàn dân cư. Điển hình như nhóm mô hình về tái hòa nhập cộng đồng với 75 mô hình với 873 thành viên nòng cốt; nhóm mô hình về trật tự có 85 mô hình với 1.634 thành viên; nhóm mô hình sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật có 131 mô hình với 1.327 thành viên; nhóm mô hình đảm bảo an ninh trật tự có 132 mô hình với 1.947 thành viên; nhóm mô hình phòng, chống ma túy có 224 mô hình với 2.833 thành viên và các mô hình khác với 1.753 thành viên… Qua sơ kết, đánh giá toàn tỉnh có 20 mô hình hoạt động hiệu quả, được nhân rộng ra 725 địa bàn; trong đó, 667 địa bàn xã, phường, thị trấn và cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục cấp huyện và 58 địa bàn cơ quan, doanh nghiệp cấp tỉnh. Từ các mô hình trên đã cung cấp cho cơ quan chức năng gần 1.000 tin báo có giá trị, giúp lực lượng Công an đấu tranh, triệt phá 1.126 vụ/1.618 đối tượng; truy bắt, vận động 21 đối tượng truy nã ma túy ra đầu thú; cung cấp thông tin giúp công an cơ sở lập 2.232 hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính, giáo dục tại xã, phường, thị trấn và 996 hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và quản lý sau cai nghiện ma túy.
Từ kết quả trên cho thấy việc xây dựng các mô hình, điển hình tiểu biểu trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” tại địa bàn dân cư, trong các cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường thời gian qua đạt được nhiều kết quả tích cực, đã và đang góp phần rất lớn trong công cuộc bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của địa phương và đất nước.