NHỮNG ĐÓNG GÓP QUAN TRỌNG TRONG CÔNG TÁC DÂN VẬN CỦA CƠ QUAN NHÀ NƯỚC VÀ CHÍNH QUYỀN CÁC CẤP THỜI GIAN QUA
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với công tác dân vận. Tư tưởng về công tác dân vận của Người không chỉ đặt nền móng và kim chỉ nam cho đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; mà còn hàm chứa những giá trị, ý nghĩa nhân văn cao cả, sâu sắc. Người khẳng định: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”; công tác dân vận là sợi chỉ đỏ, là nguyên tắc chiến lược xuyên suốt quá trình xây dựng chủ trương, đường lối, chính sách đến tổ chức thi hành và kiểm tra, thanh tra, giám sát của Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị.
Học tập, quán triệt và làm theo tư tưởng, đạo đức, tác phong dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm chăm lo đến công tác dân vận nói chung, công tác dân vận của cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp nói riêng. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng qua các nhiệm kỳ và các nghị quyết chuyên đề về công tác dân vận của Đảng đều khẳng định công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng của đất nước, là điều kiện quan trọng bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân.
Trải qua 76 năm xây dựng đất nước, xây dựng chính quyền nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, công tác dân vận luôn được Đảng, Nhà nước ta quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, dựa trên vai trò, chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức, cơ quan, đơn vị, bám sát thực tiễn của đất nước, đã đạt những kết quả rất tích cực, góp phần hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị đã đề ra. Đặc biệt, trong 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, nhất là những năm gần đây, công tác dân vận của cơ quan nhà nước và chính quyền các cấp tiếp tục có nhiều đổi mới, thiết thực, hiệu quả hơn, góp phần đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của Nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước, trong toàn bộ quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đúng theo quan điểm nhất quán của Đảng: “Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, nhân dân là chủ, nhân dân làm chủ”.
Với trách nhiệm quản lý nhà nước trong cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”, các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp đóng vai trò quan trọng trong việc thể chế hóa đường lối, quan điểm của Đảng thành chính sách, pháp luật; xây dựng cơ chế phối hợp với các tổ chức, cơ quan trong hệ thống chính trị và tổ chức thực hiện, đưa chính sách, pháp luật đi vào cuộc sống. Thực hiện quan điểm chỉ đạo của Đảng “Chính phủ thể chế hóa đường lối, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác dân vận bằng các văn bản quy phạm pháp luật, các chương trình, kế hoạch, giải pháp cụ thể để tổ chức thực hiện”, Chính phủ đã chỉ đạo rất sâu sát, quyết liệt công tác xây dựng pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tạo những điều kiện tốt nhất để nhân dân tham gia đóng góp ý kiến, giám sát, phản biện các dự thảo chính sách, pháp luật; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xứng đáng là một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về Nhân dân, do Nhân dân và phục vụ lợi ích của Nhân dân.
Tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả, sáng tạo các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động do Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động. Trong đó, cần thực hiện thật tốt 6 nội dung trọng tâm trong Phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19” do Thủ tướng Chính phủ phát động để huy động sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị, vận động các tầng lớn nhân dân, các ngành, các cấp tham gia phòng, chống dịch; đoàn kết, chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau, vượt qua khó khăn, góp phần sớm kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh, phát triển kinh tế - xã hội... Cần lôi cuốn, tập hợp, phát huy vai trò chủ động, tích cực của nhân dân tham gia vào các phong trào thi đua xây dựng Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; sao cho đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước thực sự là động lực to lớn và mạnh mẽ để tập hợp, đoàn kết Nhân dân cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài đồng tâm hiệp lực, chung sức chung lòng xây dựng đất nước phát triển vững mạnh, Nhân dân hạnh phúc.
Xác định nhiệm vụ quản lý nhà nước theo phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" trở thành nền nếp hàng ngày của xã hội mới, Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp đã ban hành các văn bản về thực hiện dân chủ trong cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; thực hiện dân chủ ở nơi làm việc; quy định và hướng dẫn việc thực hiện Quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn để quy định rõ dân được biết, được bàn những vấn đề gì; phương thức tổ chức để cho dân biết và dân bàn như thế nào; dân được làm như thế nào và được kiểm tra ai, kiểm tra vấn đề gì, kiểm tra ở đâu… Kết quả to lớn và hết sức tốt đẹp đạt được là phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" đã đi vào thực tế cuộc sống, từng bước nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm, tác phong, nền nếp thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa; tạo không khí dân chủ, cởi mở hơn trong từng loại hình cơ quan, đơn vị cơ sở cũng như toàn xã hội; quyền dân chủ của người dân được tôn trọng, mở rộng. Dân tin Đảng, Đảng tin dân, kính trọng Nhân dân, học hỏi Nhân dân, phục vụ Nhân dân đã thành phong trào rộng lớn, lan tỏa rộng khắp, thành nếp nghĩ và lối sống hàng ngày, góp phần xây dựng hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở trong sạch, vững mạnh; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ và quan điểm chỉ đạo của Đảng: “Công tác dân vận là trách nhiệm của tất cả các tổ chức trong hệ thống chính trị”, Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp đã phối hợp chặt chẽ và có hiệu quả cao với các cơ quan của Đảng, Quốc hội và HĐND, các cơ quan tư pháp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp để vận động Nhân dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội và các phong trào thi đua yêu nước, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của Nhân dân. Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều văn bản về tăng cường và đổi mới công tác dân vận chính quyền và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện; tiêu biểu là Chỉ thị số 16/CT-TTg, ngày 16/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới”; thường xuyên gặp gỡ và đối thoại với các tầng lớp nhân dân để lắng nghe tâm tư, kịp thời có giải pháp giải quyết nguyện vọng chính đáng của Nhân dân; chỉ đạo xử lý kịp thời các vấn đề bức xúc, các vụ khiếu kiện đông người, vượt cấp, kéo dài. Ban Cán sự đảng Chính phủ và Ban Dân vận Trung ương đã ký kết Chương trình phối hợp về triển khai, thực hiện công tác dân vận giai đoạn 2016 - 2021; trên cơ sở đó, Ban Cán sự đảng UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ký kết và triển khai thực hiện Chương trình phối hợp với Ban Dân vận các tỉnh ủy, thành ủy về thực hiện công tác dân vận chính quyền giai đoạn 2016 - 2021; các năm 2018, 2019 được Ban Dân vận Trung ương xác định chủ đề là “Năm dân vận chính quyền” để hướng dẫn, phối hợp triển khai thực hiện trên cả nước...
Sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền địa phương còn thể hiện qua việc phân công lãnh đạo Chính phủ và người đứng đầu các bộ, ngành, chính quyền địa phương trực tiếp phụ trách công tác dân vận. Cơ quan nhà nước và chính quyền các cấp đều ban hành và triển khai thực hiện chương trình công tác dân vận để không ngừng nâng cao nhận thức về công tác dân vận; đẩy mạnh các mô hình “Dân vận khéo” lồng ghép với các phong trào thi đua yêu nước; thực hiện văn hóa công sở; tăng cường kiểm tra việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn; thu hút, tập hợp cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước.
Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, các cơ quan nhà nước và chính quyền các cấp đã bám sát lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước trong phòng, chống dịch COVID-19 để triển khai thực hiện và vận động Nhân dân cả nước phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, cùng chung tay, chung sức ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh. Công tác dân vận chính quyền trong bối cảnh dịch COVID-19 cho thấy, cùng với vacxin y tế thì chúng ta đã huy động được từ nhân dân nguồn “vacxin vật chất” (tiền, vật tư trang thiết bị, lương thực, thực phẩm...) và “vacxin tinh thần” (những tấm gương tập thể và cá nhân người tốt, việc tốt, những nghĩa cử cao đẹp của đồng bào ta ở trong nước và nước ngoài chung sức, chung lòng phòng, chống dịch COVID-19). Những bài học kinh nghiệm đúc rút từ thành công trong công tác dân vận nói chung, công tác dân vận chính quyền nói riêng và tinh thần đoàn kết và nghĩa cử cao đẹp của đồng bào ta trong bối cảnh muôn vàn khó khăn do dịch COVID-19 thêm một lần nữa nhắc nhở chúng ta về lời dạy của Bác Hồ: “Dễ mười lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong” và cần luôn ghi lòng tạc dạ rằng: “Niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa - tài sản tinh thần vô giá cần phải giữ gìn và phát huy”. Với quyết tâm, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của Nhân dân cả nước, chúng ta tin tưởng chắc chắn sẽ thành công trong việc ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh COVID-19 trong thời gian sớm nhất.
Những kết quả tiêu biểu nêu trên đã được Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng trân trọng ghi nhận, khẳng định: “Tiếp tục nâng cao nhận thức về đổi mới công tác dân vận của hệ thống chính trị, nhất là dân vận chính quyền gắn với công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, góp phần tạo đồng thuận, tăng cường mối quan hệ mật thiết của Đảng với nhân dân, phát huy vai trò nhân dân tham gia xây dựng Đảng”.
NHỮNG NỘI DUNG TRỌNG TÂM TRONG CÔNG TÁC DÂN VẬN CỦA CHÍNH QUYỀN CÁC CẤP TRONG THỜI GIAN TỚI
Phát huy truyền thống vẻ vang và những kết quả tốt đẹp trong thời gian qua, việc tiếp tục đổi mới và tăng cường công tác dân vận chính quyền các cấp theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cần tập trung vào những nội dung trọng tâm sau:
Một là, nâng cao hơn nữa nhận thức của cơ quan nhà nước và chính quyền các cấp về đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về công tác dân vận nói chung, công tác dân vận của cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp nói riêng.
Nghị quyết Đại hội XIII đã chỉ rõ cần “tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của các cấp ủy đảng, hệ thống chính trị về công tác dân vận; nêu cao tinh thần trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhất là của chính quyền các cấp đối với công tác dân vận”. Quán triệt quan điểm chỉ đạo này, Chương trình công tác dân vận của cơ quan nhà nước và chính quyền các cấp phải chú trọng hơn nữa việc nâng cao nhận thức của bộ máy hành chính nhà nước từ Trung ương đến cơ sở để tạo chuyển biến thực sự về nhận thức, trách nhiệm và hành động của từng cơ quan, tổ chức và người đứng đầu, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức trong việc triển khai thực hiện Quyết định số 23-QĐ/TW ngày 30/7/2021 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị.
Nâng cao nhận thức về công tác dân vận phải thể hiện trước hết bằng việc xây dựng chương trình công tác dân vận của từng bộ, ngành, địa phương theo đúng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chủ trương một, biện pháp mười, quyết tâm hai mươi”, “đưa chính trị vào giữa dân gian”… để đảm bảo nội dung và giải pháp, lộ trình và biện pháp đảm bảo thực hiện phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, công tác chuyên môn, đặc điểm tình hình và điều kiện thực tế của cơ quan, đơn vị và địa phương, bảo đảm tính khả thi, thiết thực, hiệu quả. Kết quả tổ chức thực hiện chương trình công tác dân vận phải được coi là cơ sở quan trọng để kiểm điểm, đánh giá và xếp loại tập thể chính quyền, cơ quan, đơn vị, địa phương hàng năm và cả nhiệm kỳ. Trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cần đổi mới công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân bằng các ứng dụng, phương tiện hiện đại trên không gian mạng, mở rộng các kênh thông tin, sử dụng có hiệu quả các phương tiện truyền thông đại chúng để cung cấp kịp thời thông tin, giải thích chính sách, pháp luật, tạo đồng thuận trong Nhân dân.
Đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, chương trình công tác dân vận của từng bộ, ngành, địa phương phải gắn với tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, tổ chức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân thực hiện đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; cung cấp thông tin về công tác dân vận trong cơ quan nhà nước và chính quyền các cấp; nắm sát tình hình Nhân dân, nhất là những bức xúc trong Nhân dân và những kiến nghị của cử tri. Cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải sâu sát cơ sở để nắm chắc tình hình và diễn biến tâm lý của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là trong việc chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19 và các tình huống bất thường xã hội có thể xảy ra; người đứng đầu phải trực tiếp tiếp công dân và chỉ đạo việc giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo để giải quyết kịp thời những kiến nghị, phản ánh, đề xuất chính đáng của Nhân dân.
Hai là, khẩn trương nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội và Chính phủ về phương hướng, giải pháp tiếp tục thể chế hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để nhân dân làm chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” thành những chính sách, pháp luật cụ thể, bảo đảm mọi chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phù hợp với lợi ích và nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Phát huy được vai trò tích cực, chủ động của Nhân dân trong quá trình xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách liên quan đến quyền và lợi ích thiết thân của Nhân dân.
Theo hướng này, cần ưu tiên nghiên cứu, tổng kết, đánh giá tình hình tổ chức thi hành việc thực hiện Quy chế dân chủ ở các loại hình cơ sở để đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở (tích hợp và pháp điển hóa cả 4 nội dung thực hiện dân chủ ở cơ sở) để ban hành vào thời điểm thích hợp. Đồng thời, tổ chức đánh giá, tổng kết Quyết định số 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị về “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội” để nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, cho ý kiến về việc hoàn thiện pháp luật về hoạt động giám sát của Nhân dân, về hoạt động giám sát và phản biện xã hội để thể chế hóa phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Kiên trì thực hiện các nhiệm vụ này sẽ đảm bảo cho dân chủ XHCN được phát huy, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở và dân chủ trực tiếp sẽ tạo ra động lực và nguồn sinh khí mới, không chỉ lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, mà hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước cũng sẽ năng động hơn để cùng khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Ba là, nâng cao trách nhiệm, hiệu quả công tác dân vận của cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp gắn với triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ và chính quyền địa phương trong thời gian tới.
Cần gắn chương trình công tác dân vận với nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ là xây dựng và hoàn thiện nền hành chính nhà nước phục vụ Nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, tinh gọn, trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả, dựa vào nhân dân trong giám sát và kiểm soát quyền lực; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các cấp, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp và người dân; tạo môi trường, điều kiện thuận lợi hơn nữa để sản xuất kinh doanh phát triển; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, để mỗi người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, an toàn, văn minh. Chương trình công tác dân vận của các bộ, ngành, địa phương phải gắn kết việc tổ chức thi hành chính sách, pháp luật, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại, nâng cao đời sống Nhân dân với việc triển khai thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030. Trong đó, cần tập trung thực hiện cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính; nâng cao đạo đức công vụ, gắn với tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có hành vi cửa quyền, tham nhũng, lãng phí, gây phiền hà cho tổ chức, cá nhân, xâm phạm quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân.
Để thiết thực thể chế hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”, thời gian tới cần chú trọng xây dựng, hoàn thiện thể chế về mối quan hệ giữa chính quyền với Nhân dân sao cho vừa phát huy được sức mạnh tập thể; vừa đề cao vai trò và trách nhiệm cá nhân của những người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung, có uy tín cao và thực sự tiên phong, gương mẫu, thực sự là hạt nhân đoàn kết tập thể và Nhân dân. Đồng thời, gắn với nâng cao đạo đức công vụ, tinh thần phục vụ Nhân dân; thực hiện tốt các quy định về công khai, minh bạch, công tác tiếp dân, đối thoại, giải quyết đơn thư; thường xuyên thanh tra, kiểm tra, xử lý tiêu cực, vi phạm pháp luật, nâng cao sự hài lòng của Nhân dân. Quan tâm tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức về kỹ năng công tác dân vận, nhất là cán bộ, công chức lãnh đạo quản lý, công chức phụ trách công tác dân vận và công chức thường xuyên tiếp xúc với Nhân dân tại các trung tâm phục vụ hành chính, bộ phận một cửa, công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân./.
Tác giả: Đồng chí PHẠM THỊ THANH TRÀ - ỦY VIÊN BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG, PHÓ TRƯỞNG BAN BAN TỔ CHỨC TRUNG ƯƠNG, BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ