Theo kết quả tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng giai đoạn 2016 - 2020, đến cuối năm 2015, Bình Thuận có 295.442 hộ, trong đó 17.162 hộ thuộc diện nghèo, chiếm 5,81% và 11.658 hộ thuộc diện cận nghèo, chiếm 3,95% so với tổng số hộ toàn tỉnh. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và Nghị quyết số 06/2016/NQ-HĐND, ngày 15/7/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016 - 2020; trong điều kiện còn khó khăn nhưng với quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự nỗ lực của các ban, ngành, địa phương và sự chung tay góp sức của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã đạt được những kết quả tích cực; thực hiện đạt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, hạn chế thấp nhất tình trạng tái nghèo. Ước giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh giảm tỷ lệ hộ nghèo là 4,7%; giảm 13 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao (trên 20%) xuống còn 01 xã cuối năm 2020 (xã La Ngâu, huyện Tánh Linh). Phân bổ, thực hiện có hiệu quả các nguồn lực đầu tư, các chính sách, chương trình giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2016 - 2020 tại các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc chương trình 135 và các xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo với tổng số tiền 123.304 triệu đồng. Ngoài ra, ngân sách tỉnh đã bố trí hơn 45.000 triệu đồng để lồng ghép thực hiện các dự án, chính sách giảm nghèo trên địa bàn để góp phần thực hiện đạt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm. Thực hiện tốt các chính sách đối với hộ nghèo như tín dụng ưu đãi (đã cho 7.730 hộ nghèo vay 249.607 triệu đồng, 7.835 hộ cận nghèo vay 297.824 triệu đồng và 4.276 hộ mới thoát nghèo vay 164.754 triệu đồng để phát triển sản xuất); cấp 117.726 thẻ BHYT cho người nghèo và 130.150 thẻ BHYT cho người thuộc hộ cận nghèo; Quỹ “Vì người nghèo” hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 3.293 căn nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, với tổng kinh phí gần 108.000 triệu đồng; thực hiện chính sách đào tạo nghề, giải quyết hàng nghìn việc làm cho lao động nông thôn, lao động thuộc hộ nghèo; hỗ trợ tiền điện cho 210.820 hộ nghèo và hộ chính sách xã hội với 29.268 triệu đồng; hỗ trợ học tập cho hơn 67.000 lượt học sinh, sinh viên học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo với kinh phí 49.105 triệu đồng. Giải ngân cho 38.100 hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo vay 1.243.000 triệu đồng để đầu tư sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập và thoát nghèo bền vững (bình quân mỗi hộ vay 32,6 triệu đồng)…
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 - 2025; thiết nghĩ các ngành, địa phương cần: (1) Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, thực hiện tốt công tác điều tra, rà soát, xác định đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo tại địa phương để làm cơ sở thực hiện các chính sách giảm nghèo hàng năm. (2) Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận trong xã hội, động viên nhân dân tích cực sản xuất, kinh doanh vươn lên thoát nghèo. (3) Phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng, sự vào cuộc của hệ thống chính trị và toàn dân trong thực hiện công tác giảm nghèo; thực hiện tốt công tác phối hợp trong thực hiện chính sách, chương trình giảm nghèo. (4) Công khai, minh bạch chương trình, chính sách giảm nghèo để người dân được biết và thực hiện; tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia các cấp. (5) Tăng cường tập huấn nâng cao năng lực, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp. (6) Rà soát hệ thống các chính sách giảm nghèo để đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
(Bài viết sử dụng thông tin từ Báo cáo số 117/BC-SLĐTBXH, ngày 07/8/2020 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Thuận)