Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 33-NQ/TU, ngày 24/02/2015; tiếp đó, Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã xây dựng Kế hoạch số 2620/KH-UBND, ngày 05/8/2015. Theo đó, các cấp ủy, chính quyền và các ngành liên quan cũng đã ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh; trong đó, các cấp ủy Đảng phải tăng cường vai trò lãnh đạo đối với tín dụng chính sách xã hội để tín dụng chính sách xã hội thực sự góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm và xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương.
Trong quá trình triển khai thực hiện, công tác phối hợp giữa Ngân hàng chính sách xã hội và các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc nhận ủy thác ngày càng chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả hơn với 2.300 tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động tại thôn, khu phố; năng lực, hiệu quả hoạt động của Ngân hàng chính sách xã hội các cấp ngày càng được nâng lên với tổng số vốn đạt 2.616 tỷ đồng, tăng 944 tỷ đồng (tăng 56,5% so với năm 2014); tổng dư nợ đạt 2.608 tỷ đồng, tăng 943 tỷ đồng (tăng 56,7% so với năm 2014) với hơn 100 nghìn hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn; nợ quá hạn và nợ kinh doanh luôn được kiểm soát ở mức dưới 0,7%/tổng dư nợ; nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã đến các thôn, khu phố trong toàn tỉnh, góp phần giúp cho hơn 28 nghìn hộ thoát nghèo; 6.600 lao động được giải quyết việc làm; gần 10.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để trang trãi việc học; xây dựng hơn 100 công trình nước sạch công trình vệ sinh môi trường... Kết quả thực hiện Chỉ thị đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo chung của tỉnh từ 3,64% năm 2015 xuống còn 2,51% năm 2018.
Tuy nhiên, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội tại tỉnh chưa đáp ứng nhu cầu thực tế vay của hộ nghèo, gia đình chính sách, còn thiếu ổn định, cơ cấu chưa hợp lý, chất lượng tín dụng chưa đồng đều. Một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa quan tâm đúng mức đến hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Sự phối hợp giữa Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh với các đoàn thể chính trị - xã hội có mặt chưa chặt chẽ, nhất là trong theo dõi, quản lý, hướng dẫn đối tượng sử dụng vốn vay hiệu quả.
Được biết, vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổng kết 5 năm thực hiện hiện Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương. Qua đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp, các ngành, Mặt trận, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục quán triệt sâu kỹ các chủ trương, quan điểm, chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh đối với tín dụng chính sách xã hội nhằm nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, không được "khoán trắng" cho Ngân hàng chính sách xã hội.
Đối với Mặt trận và đoàn thể chính trị xã hội, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu rà soát, mở tài khoản các nguồn vốn quỹ của cơ quan, đơn vị mình đang quản lý tại Ngân hàng Chính sách xã hội để góp phần tạo thêm nguồn vốn cho vay hộ nghèo và đối tượng chính sách, hoàn thành chậm nhất trong tháng 12/2019; đồng thời, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tuyên truyền đoàn viên, hội viên, nhân dân... hiểu sâu sắc về ý nghĩa, tính nhân văn của tín dụng chính sách xã hội. Rà soát, đánh giá, chấn chỉnh nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa Ngân hàng Chính sách xã hội với Mặt trận, các đoàn thể, các ngành, các địa phương trong việc tham gia thực hiện nhiệm vụ tín dụng chính sách xã hội đã xác định tại Chương trình hành động số 33 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch số 2620/KH-UBND của UBND tỉnh, trong đó lưu ý (1) Mặt trận và các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở tiến hành kiểm điểm, đánh giá lại công tác tuyên truyền, vận động, tình hình thực hiện các nội dung ủy thác, công tác giám sát quá trình sử dụng vốn vay; qua đó, đề ra biện pháp chấn chỉnh, khắc phục những thiếu sót, hạn chế, đồng thời phối hợp củng cố, kiện toàn các Tổ tiết kiệm và vay vốn ở địa phương, bảo đảm hoạt động thực chất; (2) Đưa nhiệm vụ thực hiện công tác tín dụng chính sách xã hội vào danh mục tiêu chí đánh giá, xếp loại chất lượng các tổ chức, cá nhân hàng năm, bắt đầu thực hiện từ năm 2020; (3) Phối hợp với các ngành tăng cường hướng dẫn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật khuyến nông, khuyến ngư, khuyến công, chia sẻ kinh nghiệm, nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn tín dụng chính sách xã hội.
Với những kết quả đạt được ở Bình Thuận trong thời gian qua có thể khẳng định thực hiện tín dụng chính sách xã hội là chủ trương đúng đắn, có ý nghĩa quan trọng góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội.