Tác phẩm “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đời trong thời điểm mà Đảng ta vào thời kỳ khó khăn khi cuộc kháng chiến chống pháp bước vào giai đoạn đầy cam go; với những chuyển biến mới, đòi hỏi công tác dân vận của Đảng phải đi vào chiều sâu, cụ thể, thiết thực nhằm động viên tối đa sức dân, sức của cho kháng chiến. Bằng ngôn ngữ giản dị, gần gũi với quần chúng, có tính khái quát cao, kết cấu mạch lạc, chặt chẽ, dễ thuộc, dễ nhớ và dễ làm theo; 70 năm qua, tác phẩm “Dân vận” của Bác là bản “tuyên ngôn”, là “cương lĩnh”, là “kim chỉ nam” về công tác dân vận của Đảng để chúng ta học tập và tổ chức thực hiện. Tác phẩm ngắn gọn, nhưng đã thể hiện rõ tư tưởng của Bác về một nhà nước dân chủ; về một tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân trong thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ cách mạng; khẳng định công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị; Người đã chỉ ra phương pháp làm công tác dân vận hiệu quả nhất là phải trọng dân, gần dân, sát dân, có trách nhiệm với dân và “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.
Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận, Đảng ta đã nghiên cứu, vận dụng một cách sáng tạo vào thực tiễn qua từng giai đoạn lịch sử cách mạng với những phương thức, nội dung khác nhau nhưng đều nhằm mục tiêu vận động tất cả các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia vào các phong trào cách mạng, thi đua yêu nước; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố và tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân. Từ khi bước vào thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, Đảng ta đã ban hành Nghị quyết 8B của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VI) về "Đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân"; đây là Nghị quyết vô cùng quan trọng về công tác dân vận với 04 quan điểm, đó là: (1) Cách mạng là sự nghiệp của dân, do dân và vì dân; (2) Động lực thúc đẩy phong trào quần chúng là đáp ứng lợi ích thiết thực của nhân dân và kết hợp hài hoà các lợi ích, thống nhất quyền lợi và nghĩa vụ công dân; (3) Các hình thức tập hợp nhân dân phải đa dạng; (4) Công tác quần chúng là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể nhân dân. Trước tình hình phát triển của đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay, các quan điểm của Nghị quyết 8B thực sự được Đảng ta kế thừa, phát triển và cụ thể hóa vào Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về "Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới" với mục tiêu: Củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân với Đảng; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân; tập hợp, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân, tạo phong trào cách mạng rộng lớn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trên thực tế, công tác dân vận đã được các cấp, các ngành tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện hướng vào vận động các tầng lớp nhân dân hăng hái tham gia các phong trào thi đua thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị; qua đó đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo về công tác dân vận phù hợp thực tiễn của từng địa phương, đơn vị; xuất hiện nhiều điển hình, mô hình tiêu biểu trong các phong trào thi đua như "Xóa đói, giảm nghèo", "Đền ơn, đáp nghĩa", "Thanh niên tình nguyện", "Tuổi trẻ sáng tạo", "Lao động giỏi, lao động sáng tạo", "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, nhất là thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đã mang lại hiệu quả thiết thực và những khởi sắc mới trong phong trào thi đua yêu nước trong các tầng lớp nhân dân; đặc biệt là việc triển khai thực hiện “công tác dân vận phải đi trước một bước” trong quá trình thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm đã nhận được sự đồng tình của đa số nhân dân và hoàn thành đảm bảo tiến độ đề ra, góp phần đổi mới công tác dân vận, tăng cường phương thức lãnh đạo của Đảng nhằm huy động cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa./.