Tiếp tục thực hiện chủ trương của Thường trực Tỉnh ủy về tổ chức kết nghĩa giữa các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, huyện với các xã thuần và thôn xen ghép đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh; năm 2019, 17 sở, ngành, mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang cấp tỉnh và 64 phòng, ban cấp huyện đã tiếp tục triển khai và tổ chức các hoạt động kết nghĩa với các xã thuần và thôn xen ghép đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Có thể nói, năm 2019 hoạt động giao lưu, kết nghĩa đã có chuyển biến tích cực với nội dung, hình thức sát hợp hơn; qua đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và cán bộ, đảng viên đối với công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thay đổi nhận thức, cách nghĩ, cách làm của bà con trong lao động sản xuất, trong đời sống sinh hoạt theo nếp sống mới nhằm phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, đồng thời vẫn gìn giữ được bản sắc riêng có của từng dân tộc trong đời sống cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Trong đó, các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện đã phối hợp tổ chức 64 đợt tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho hơn 3.000 lượt cán bộ, đoàn viên, hội viên và người dân là đồng bào dân tộc thiểu số với các nội dung thiết thực như xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn an ninh trật tự, chăm sóc sức khỏe...; tuyên truyền các Luật (An toàn giao thông đường bộ; Luật bảo vệ và phát triển rừng, Luật Bảo vệ môi trường; Luật phòng chống bạo lực gia đình....). Xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế và giữ gìn an ninh trật tự trong vùng đồng bào dân tộc như thành lập các Đội thanh niên tình nguyện “ 04 cùng - cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng tìm hiểu phong tục tập quán”; mô hình tổ hùn vốn, tiết kiệm, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp; hỗ trợ cây giống, con giống, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật, kinh nghiệm để đồng bào phát triển sản xuất, chăn nuôi; xây dựng các mô hình tự phòng, tự quản nhằm góp phần đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương... Tổ chức hàng trăm buổi tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho hơn 2.100 lượt cán bộ, đoàn viên, hội viên và người dân. Vận động doanh nghiệp hỗ trợ và cán bộ, công chức, viên chức đóng góp xây dựng các công trình phục vụ dân sinh, kinh tế, điểm sinh hoạt văn hóa của người dân được 15 công trình với tổng trị giá 197,9 triệu đồng. Vận động nhân dân tu sửa đường giao thông nông thôn và kênh mương nội đồng để phục vụ sản xuất, đời sống. Vận động hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà 40 căn nhà/1.733 triệu đồng... Ngoài ra, các sở, ban, ngành, địa phương còn tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao, tổ chức chiếu phim phục vụ đồng bào và các hoạt động thăm, chúc mừng đồng bào các xã thuần và thôn xen ghép đồng bào dân tộc thiểu số trong các dịp lễ, tết với sự tham gia đông đảo bà con và các cháu thanh thiếu nhi tại các địa phương; các cơ quan, đơn vị đã tổ chức thăm tặng 1.749 suất quà nhân dịp Tết Nguyên đán với tổng số tiền 616,4 triệu đồng; tặng 6.825 suất quà nhân dịp Tết Trung thu với tổng số tiền 445 triệu đồng; tặng quà nhân các dịp lễ hội với tổng số tiền 370 triệu đồng và tặng nhiều vật dụng gia đình, dụng cụ học sinh...
Để tiếp tục thực hiện tốt công tác công tác kết nghĩa theo chủ trương của Thường trực Tỉnh ủy, các cơ quan sở, ngành cấp tỉnh, cấp ủy, chính quyền, phòng, ban cấp huyện cần quan tâm một số nội dung sau: Một là, trong quá trình lãnh đạo, triển khai thực hiện cần xây dựng chương trình, kế hoạch thật cụ thể, xác định rõ các nhiệm vụ, công việc cần thực hiện, phân công bộ phận, cán bộ phụ trách, triển khai thực hiện đạt kết quả. Hai là, tăng cường công tác nắm tình hình gắn với đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức trong đồng bào dân tộc thiểu số; phát huy các hình thức, nội dung hoạt động đã thực hiện có hiệu quả, nghiên cứu thực hiện các hoạt động mới, thiết thực, phù hợp với điều kiện của ngành, cơ quan, đơn vị và các xã, thôn kết nghĩa; chú ý tập huấn, bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ cơ sở. Ba là, chú trọng việc lồng ghép các hoạt động kết nghĩa với công tác dân tộc, chính sách dân tộc; qua đó tạo sự chuyển biến rõ nét nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về công tác dân vận trong tình hình mới. Bốn là, duy trì các hoạt động thăm hỏi, động viên đồng bào nhân dịp các dịp lễ, hội gắn với tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao giữa cán bộ, công chức, viên chức với bà con đồng bào dân tộc tại địa bàn dân cư; xây dựng, nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực tại địa phương.