Ngày 22/9/2014, Bộ Chính trị (khóa XI) đã ban hành Kết luận số 102-KL/TW “về hội quần chúng”. Để triển khai thực hiện Kết luận trên, ngày 23/3/2015, Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XII) đã ban hành Kế hoạch số 139-KH/TU chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và các hội quần chúng trên địa bàn tỉnh tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện. Qua 05 năm tổ chức thực hiện Kết luận số 102-KL/TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 139-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tổ chức hội quần chúng các cấp đã có nhiều cố gắng, nỗ lực triển khai, thực hiện đạt được các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong Kết luận của Bộ Chính trị và Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Tính đến ngày 31/12/2018, toàn tỉnh có 1.197 tổ chức Hội quần chúng với tổng số 351.218 hội viên (tăng 52.553 hội viên so với năm 2014); trong đó, có 61 hội cấp tỉnh, 120 hội cấp huyện, 1.016 hội cấp xã. Trong 05 năm qua, các tổ chức hội quần chúng đã tích cực, chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động, đảm bảo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được nhà nước giao; từng bước đổi mới, đa dạng hóa nội dung, phương thức hoạt động hướng vào các vấn đề hội viên và nhân dân quan tâm. Các tổ chức hội ngành nghề trên lĩnh vực kinh tế thực hiện khá tốt vai trò cầu nối giữa chính quyền với tổ chức hội, hội viên, phản ánh tình hình, đề xuất, kiến nghị cơ chế, chính sách nhằm giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; tạo mối liên kết giữa cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài tỉnh, từ đó góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh; xây dựng thương hiệu ngành nghề, chỉ dẫn địa lý sản phẩm... tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh. Các tổ chức hội có tính chất đặc thù đã tổ chức tư vấn và phản biện xã hội đối với các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tổ chức các hội thảo khoa học chuyên ngành... Qua đó, giúp cho các cấp chính quyền, các nhà đầu tư có thêm thông tin, cơ sở trong xây dựng, thẩm định, phê duyệt hoặc thực hiện chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Bên cạnh đó, các hội đã triển khai, thực hiện nhiều phong trào, mô hình hay, sáng tạo, thu hút đông đảo hội viên tham gia, như mô hình “Gia đình hiếu học”, “Dòng họ hiếu học”... của Hội khuyến học; “Tuổi cao - Gương sáng” của Hội Người cao tuổi; “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”... của Hội Chữ thập đỏ... thông qua đó đã thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động từ thiện, nhân đạo, hỗ trợ phát triển cộng đồng. Hội quần chúng các cấp đã vận động đóng góp và trao 53.037 suất học bổng, hỗ trợ, giúp đỡ 154.053 lượt trẻ em nghèo; mua 2.039 lượt bảo hiểm y tế, xây dựng và sửa chữa 810 căn nhà cho người nghèo, người yếu thế; hỗ trợ 494 trường hợp bệnh nhân nghèo điều trị bệnh; xây dựng 227 phòng học ở vùng cao, vùng sâu; vận động đóng góp tiền sửa chữa 185,6km đường giao thông nông thôn, 4 cây cầu dân sinh và các hoạt động từ thiện khác... với tổng giá trị hơn 180 tỷ đồng. Những hoạt động thiết thực trên của tổ chức hội quần chúng đã tạo điều kiện cho một bộ phận nhân dân, các đối tượng yếu thế trong xã hội vươn lên trong cuộc sống. Ngoài ra, các cấp hội còn tích cực phối hợp đề xuất chính quyền giải quyết các chế độ, chính sách cho hội viên theo quy định.
Để các tổ chức hội ngày càng phát triển về số lượng, đa dạng về hình thức và hoạt động có hiệu quả, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thời gian tới thiết nghĩ cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể chính tri - xã hội các cấp cần phải tiếp tục quán triệt, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW; Kết luận số 102-KL/TW, ngày 22/9/2014 của Bộ Chính trị, Kế hoạch số 139-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về hội quần chúng; nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc phổ biến, quán triệt, tổ chức thực hiện; tổ chức kiểm tra, giám sát kịp thời việc tổ chức thực hiện của các ngành, địa phương; củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức đảng, phát triển đảng viên trong các cơ quan hội quần chúng; các cấp chính quyền tiếp tục rà soát, bổ sung, cụ thể hóa các quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về hội quần chúng, triển khai thực hiện có kết quả Đề án “Đổi mới quản lý nhà nước đối với các hội quần chúng theo tinh thần Kết luận số 102-KL/TW của Bộ Chính trị”; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đẩy mạnh công tác phối hợp, tạo điều kiện để tổ chức hội quần chúng hoạt động hiệu quả, góp phần xây dựng và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện việc phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) đạt nhiều kết quả. Mặt khác, tổ chức hội quần chúng cần củng cố kiện toàn tổ chức, bộ máy và hoạt động của hội để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao; thực hiện tốt quy chế dân chủ trong nội bộ; chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao, thực hiện nghiêm túc các quy định về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước...
Hội Nạn nhân chất độc da cam trao quà cho nạn nhân chất độc da cam (nguồn ảnh: www.baobinhthuan.com.vn)