Xác định công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhất là từ khi Đảng, Chính phủ ban hành những văn bản quan trọng về công tác dân vận(*); những năm qua, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác dân vận trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao; đặc biệt là việc triển khai thực hiện công tác dân vận trong quá trình thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm của tỉnh; đây là lĩnh vực có liên quan và ảnh hưởng đến nhiều vấn đề, từ khâu quy hoạch, xây dựng và triển khai thực hiện dự án, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, tái định cư,... đến việc bố trí nguồn vốn của nhà nước, thực hiện các chính sách liên quan; nên rất dễ dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện, làm chậm tiến độ hoặc gây bức xúc cho nhân dân. Do vậy, việc thực hiện công tác dân vận và quy chế dân chủ trong quá trình triển khai thực hiện các công trình, dự án là bước quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi để hoàn thành dự án đúng tiến độ đề ra.
Quan điểm, phương châm “công tác dân vận phải đi trước một bước” trong thực hiện công trình, dự án trọng điểm đã được các cấp, các ngành ở Bình Thuận quán triệt và thực hiện từ khi có Hướng dẫn số 169-HD/BDVTW, ngày 11/6/2013 của Ban Dân vận Trung ương và Kế hoạch số 4898/KH-UBND, ngày 02/12/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận. Nhờ vận dụng và thực hiện tốt quy trình công tác dân vận nên nhìn chung các dự án triển khai đều nhân được sự đồng tình của đa số nhân dân trong vùng và hoàn thành đảm bảo tiến độ. Đáng chú ý là các dự án như: Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A, đoạn đi qua địa bàn tỉnh; Dự án đường Lê Duẩn, Dự án đường Hùng Vương, Dự án đường từ cầu Hùng Vương đến đường ĐT.706B;... và hiện nay đang triển khai thực hiện Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đoạn đi qua địa bàn tỉnh. Để thực hiện hoàn thành các dự án này, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở luôn thể hiện sự quan tâm cao độ với mục đích là làm cho nhân dân hiểu, đồng thuận với chủ trương của Nhà nước. Quá trình đó, rút ra một số kinh nghiệm công tác dân vận như sau:
Một là, phải thực hiện tốt phương châm “Công tác dân vận phải đi trước một bước” trong xây dựng, ban hành chủ trương, chính sách và trong triển khai thực hiện các công trình, dự án gắn với thực hiện tốt việc phân công, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị; trong đó cơ quan nhà nước phải đóng vai trò trung tâm; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội làm nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân và thực hiện tốt việc giám sát trong quá trình thực hiện dự án.
Hai là, phải thực hiện nhất quán, đồng bộ và đảm bảo sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng trong thực hiện các công trình, dự án; trong đó, xác định rõ công tác giải phóng mặt bằng là khâu then chốt, quyết định tiến độ của dự án, việc thực hiện các chính sách liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người dân, phải đảm bảo công bằng, minh bạch, dân chủ.
Ba là, các cấp chính quyền phải tập trung chỉ đạo công khai về mục đích, yêu cầu và các chính sách liên quan đến dự án; chỉ đạo chặt chẽ, khẩn trương các khâu, các bước phục vụ cho công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, giao đất, bảo đảm tốt nhất mọi quyền lợi của người dân trong vùng dự án đúng quy định của pháp luật; kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh trong thực tế.
Bốn là, phải phát huy đúng mức vai trò của các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục, làm cho mọi người dân hiểu ý nghĩa, tầm quan trọng, lợi ích của công trình, dự án để từ đó tích cực ủng hộ, đồng thuận, phối hợp chặt chẽ với chính quyền triển khai tốt các khâu công việc cụ thể. Trong những trường hợp cần thiết, cần thành lập các tổ tuyên truyền, vận động đặc biệt với tinh thần sâu sát, kiên trì, mềm dẻo, linh hoạt.
Năm là, phải thực hiện công khai các thông tin về dự án đúng quy định để người dân biết; phối hợp chặt chẽ từ khâu kiểm đếm đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, đảm bảo phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tế.
Sáu là, phải phát huy trách nhiệm của đảng viên, CBCC, viên chức trong việc hướng dẫn, hỗ trợ người dân làm các thủ tục liên quan, hết sức tránh gây phiền hà cho người dân./.
(*) Quyết định số 290-QĐ/TW của Bộ Chính trị khóa X về "Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị"; Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) "về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới"; Kết luận số 114-KL/TW, ngày 14/7/2015 của Ban Bí thư Trung ương, Chỉ thị số 16-CT/TTg, ngày 16/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 03-CT/TU, ngày 26/11/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy "về tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan nhà nước các cấp trong tình hình mới".