Tiếp tục thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tổ chức kết nghĩa giữa các cơ quan, đơn vị với các xã, thôn đồng bào dân tộc thiểu số; các sở, ngành, Mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh và 64 phòng, ban, lực lượng vũ trang cấp huyện đã triển khai kế hoạch tổ chức hoạt động kết nghĩa với 17 xã và 36 thôn đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Năm 2018, công tác kết nghĩa đã có những đổi mới về nội dung, phương thức tổ chức, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào việc tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi cách nghĩ, cách làm của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong xây dựng đời sống văn hóa mới, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất tinh thần.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã phối hợp với các xã và thôn đồng bào dân tộc thiểu số tổ chức 73 lớp tập huấn, chuyển giao ứng dụng khoa học về trồng trọt, chăn nuôi cho 2.896 lượt đồng bào, 47 đợt tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vận động cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân giúp nhau phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Một số mô hình về phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh trật tự được phối hợp triển khai đã tạo sự đồng thuận cao của đồng bào dân tộc thiểu số như: Mô hình “Chức sắc tôn giáo tham gia góp phần đảm bảo an ninh trật” của Công an tỉnh tại xã Phan Thanh, công trình “Ánh sáng an ninh tại xã Phú Lạc” của Sở Tài chính, “Mô hình khu dân cư bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu” trong vùng đồng bào dân tộc Chăm huyện Bắc Bình và Tuy Phong của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, đội hình thanh niên tình nguyện hoạt động “04 cùng: cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng tìm hiểu phong tục tập quán” của Đoàn Thanh niên, “Hủ gạo tình thương, nâng cao chất lượng các mô hình địa chỉ tin cậy tại cộng đồng và 1 câu lạc bộ phụ nữ với pháp luật” và “tổ phụ nữ giữ gìn vệ sinh sạch đường, đẹp xóm” của Hội Liên hiệp phụ nữ, “Một vụ lúa, một vụ đậu xanh” tại cánh đồng Mõm xã Hàm Cần của Hội Nông dân, “Mô hình nuôi cá Điêu Hồng kết hợp với cá Chép đơn tính có sử dụng chế phẩm sinh học tại xã Hải Ninh” của Sở Khoa học và Công nghệ... Song song với các hoạt động tuyên truyền, triển khai các mô hình; các sở, ngành, Mặt trận, đoàn thể cấp tỉnh và địa phương đã vận động các nguồn lực trong xã hội tổ chức được nhiều hoạt động thăm hỏi, xã hội từ thiện thiết thực, như: trao tặng 9.516 suất quà cho thiếu nhi, hộ nghèo, gia đình chính sách nhân các ngày lễ, Tết, kỷ niệm của quê hương, đất nước với tổng trị giá trên 1,3 tỷ đồng; nhận đỡ đầu 12 hộ nghèo trị giá trên 45,4 triệu đồng; hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 15 căn nhà tình thương trị giá trên 394 triệu đồng...
Thông qua các hoạt động giao lưu, kết nghĩa đã góp phần tăng cường công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tạo mối quan hệ gắn kết, gần gũi, đoàn kết, phấn khởi giữa các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức của tỉnh, của huyện với các xã, thôn đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả và ý nghĩa chủ trương về công tác kết nghĩa với các xã và thôn đồng bào dân tộc thiểu số; thiết nghỉ trong thời gian tới các cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị và các địa phương cần quan tâm thêm một số nội dung sau:
Một là xác định rõ công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, qua đó giúp cho đồng bào dân tộc thiểu số phát huy tính tự lực, tự cường, nổ lực vươn lên trong cuộc sống.
Hai là tiếp tục rà soát, thực hiện có hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp đã nêu tại Kế hoạch số 04-KH/TU, ngày 05/02/ 2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về triển khai thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Ba là các cơ quan, đơn vị và các địa phương cần bám sát nội dung, yêu cầu của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Công văn 186-CV/TU, ngày 30/3/2016 để tiếp tục sáng tạo, đổi mới hơn nữa nội dung, phương thức, cách làm sao cho phù hợp với từng địa bàn, vùng dân cư; tổ chức tuyên truyền, vận động hiệu quả hơn nữa nhằm thay đổi cách nghĩ, cách làm của đồng bào trong việc thay đổi phương thức sản xuất để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống; đồng thời, tiếp tục xây dựng, nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực an ninh trật tự, bảo vệ môi trường, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Bốn là tăng cường vận động các nguồn lực trong xã hội để phối hợp tổ chức nhiều hơn nữa các hoạt động xã hội từ thiện, giao lưu văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao, thực hiện một số công trình, phần việc có ý nghĩa thiết thực, góp phần cải thiện dân sinh, kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.