Trên địa bàn tỉnh Bình Thuận hiện có 08 tôn giáo chính thống đang hoạt động, gồm: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao đài, Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam, Baha’i, Hồi giáo Bàni và Bàlamôn giáo với 496.295 tín đồ, chiếm tỷ lệ 39,44% dân số toàn tỉnh; có 507 cơ sở thờ tự (nhà thờ, chùa, tịnh thất, tịnh xá, niệm phật đường, thánh thất, đền, dinh…) với 1.852 chức sắc, nhà tu hành và 3.979 chức việc.
Trong những năm qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trên địa bàn tỉnh đã chủ động phối hợp với các cấp, các ngành đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; thường xuyên thăm hỏi, động viên, chúc mừng các tổ chức, chức sắc tôn giáo nhân dịp tết, lễ trọng; vận động các chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo nâng cao ý thức công dân chấp hành và thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, phát huy truyền thống yêu nước, những giá trị văn hóa tốt đẹp của tôn giáo trên tinh thần sống “Tốt đời, đẹp đạo”, “Phúc âm trong lòng dân tộc”. Đồng thời, phối hợp tham mưu, đề xuất giải quyết kịp thời các nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo chính đáng và tạo điều kiện cho đồng bào các tôn giáo sinh hoạt tôn giáo đúng với hiến chương, điều lệ của giáo hội và pháp luật; tạo niềm tin của chức sắc, chức việc và tín đồ các tôn giáo đối với chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Cùng với các đoàn thể chính trị- xã hội củng cố tổ chức đoàn, hội trên địa bàn dân cư vùng đồng bào có đạo; phát động nhiều hoạt động phát triển kinh tế, an sinh xã hội trong vùng đồng bào có đạo và được chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo tham gia hưởng ứng thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, xây dựng điểm mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp trong vùng đồng bào các tôn giáo; hỗ trợ vốn vay giúp đoàn viên, hội viên là tín đồ các tôn giáo phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Việc xây dựng các mô hình trong vùng đồng bào được quan tâm, mang lại hiệu quả thiết thực, như: Mô hình "giáo dục thanh thiếu niên chưa ngoan trong cộng đồng công giáo" ở xã Đông Hà và xã Trà Tân (huyện Đức Linh); mô hình "Chức sắc tôn giáo tham gia góp phần bảo đảm an ninh trật tự", "Khu dân cư bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu" và "Dòng tộc văn hóa tự quản về an ninh trật tự" ở các xã Phan Thanh, Phan Hiệp (huyện Bắc Bình); mô hình "Tổ Phụ nữ hoa sen", "Tổ Phụ nữ bác ái" của đồng bào công giáo phường Phước Hội (thị xã La Gi).... Các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, kết nghĩa giữa đồng bào các tôn giáo với nhau và với đồng bào không theo tôn giáo được tăng cường; các tổ chức tôn giáo, chức sắc, chức việc và tín đồ đã tổ chức nhiều hoạt động nhân đạo từ thiện, hỗ trợ người nghèo, các đối tượng có cảnh khó khăn; qua đó góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của vùng đồng bào có đạo nói riêng và nhân dân trong tỉnh nói chung (năm 2017 GRDP bình quân/người 44,9 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,51%), khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương được giữ vững.
Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động theo hướng gần dân, sát cơ sở; tăng cường hơn nữa các hoạt động thăm hỏi, gặp gỡ động viên, tuyên truyền đồng bào có đạo hiểu rõ hơn quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, vận động đồng bào chấp hành tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; tích cực tham gia xây dựng vững chắc khối đoàn kết toàn dân tộc. Tiếp tục phối hợp đồng bộ, chặt chẽ thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần và tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào các tôn giáo phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng văn minh, giàu đẹp.