Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 5/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn”.
Nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của Chương trình, trong những năm qua, các cấp ủy, chính quyền tỉnh Bình Thuận đã quan tâm đầu tư cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XI) đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TU, ngày 22/9/2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 16/3/2011 về đẩy mạnh phát triển giao thông nông thôn giai đoạn 2011- 2015. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới tỉnh Bình Thuận; Kế hoạch tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới của tỉnh giai đoạn 2010 - 2020 và giai đoạn 2011 - 2015; Chỉ thị số 21/CT-UBND, ngày 01/8/2011 và Kế hoạch số 5580/KH/UBND, ngày 25/11/2011 về phát động và tổ chức thực hiện phong trào thi đua "chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới”.
Để góp phần triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và phong trào thi đua “Chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới”, hệ thống dân vận, Mặt trận, đoàn thể các cấp trong tỉnh đã có những cố gắng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng về cơ sở, bám sát các văn bản chỉ đạo của Ban Dân vận Trung ương, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh, nắm bắt nguyện vọng, nhu cầu của nông dân để xây dựng chương trình, kế hoạch, hướng dẫn cụ thể và tổ chức triển khai nghiêm túc gắn với triển khai nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị; tích cực tham mưu các cấp ủy Đảng quán triệt, phổ biến kịp thời các chủ trương, văn bản chỉ đạo của Trung ương, tỉnh, huyện về xây dựng nông thôn mới phù hợp với điều kiện ở địa phương.
Hệ thống dân vận, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân trong tỉnh đã lồng ghép quán triệt, phổ biến, tuyên truyền mục đích, ý nghĩa và các quan điểm, nội dung về xây dựng nông thôn mới trong đội ngũ cán bộ, đoàn viên, hội viên; phát động thi đua, lồng ghép xây dựng các tiêu chí thực hiện xây dựng nông thôn mới trong thang bảng điểm thi đua, thường xuyên tổ chức kiểm tra việc thực hiện trong hệ thống, tổ chức mình. Một số đoàn thể chủ động ký kết liên tịch với các sở, ngành để tăng thêm nguồn lực cho hoạt động, tích cực hỗ trợ đoàn viên, hội viên của đoàn thể mình phát triển sản xuất, kinh doanh, xoá đói giảm nghèo..... Cụ thể như Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân tỉnh đã ký kết chương trình liên tịch với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới. Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể tỉnh và Ban Dân vận các huyện, thị, thành ủy mỗi đơn vị chọn từ 01 đến 02 đơn vị cơ sở của tổ chức mình để làm điểm thực hiện mô hình xây dựng nông thôn mới để rút kinh nghiệm.
Ban Dân vận các huyện, thị, thành ủy, khối dân vận cơ sở đã phối hợp làm tốt công tác tham mưu, hướng dẫn triển khai thực hiện công tác dân vận thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Phối hợp tham mưu thành lập Ban chỉ đạo ở 10/10 huyện, thị xã, thành phố và Ban chỉ đạo, Ban quản lý ở 94/96 xã xây dựng nông thôn mới; trong các Ban chỉ đạo của tỉnh, cấp huyện và Ban quản lý xây dựng nông thôn mới cấp xã và Ban Phát triển thôn đều có đại diện lãnh đạo Ban Dân vận, khối dân vận, Mặt trận, các đoàn thể làm thành viên.
Hệ thống Dân vận, Mặt trận, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở tích cực đẩy mạnh các phong trào thi đua, xây dựng mô hình “Dân vận khéo” tham gia xây dựng nông thôn mới. Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Tỉnh Đoàn thanh niên đã biên tập những nội dung cơ bản của chủ trương xây dựng nông thôn mới đăng tải trên bản tin công tác của tổ chức mình, phát hành đến các chi đoàn, chi hội để tuyên truyền trong đoàn viên, hội viên và nhân dân; phát động và hướng dẫn các tổ chức cơ sở, đoàn viên, hội viên đăng ký thực hiện phong trào thi đua "Chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới" bằng những việc làm cụ thể. Ủy ban Mặt trận, các đoàn thể nhân dân ở các xã đã tích cực vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên tham gia góp ý xây dựng các đồ án, đề án, góp kinh phí, hiến đất xây dựng đường giao thông nông thôn. Bước đầu xây dựng và nhân rộng được khá nhiều mô hình dân vận khéo với những cách nghĩ, cách làm sáng tạo, cho ra những sản phẩm mới cụ thể, thiết thực, điển hình như: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh xây dựng mô hình “Khu dân cư bình đẳng, ấm no, hạnh phúc”, “Khu dân cư phòng, chống tội phạm”, “Khu dân cư bảo vệ môi trường” . Hội Nông dân tỉnh tổ chức ký kết các chương trình phối hợp với các ngành, doanh nghiệp để xây dựng các mô hình sản xuất, chăn nuôi tập trung; vận động nông dân hiến đất xây dựng các công trình công cộng, giao thông; hướng dẫn xây dựng và nhân rộng các mô hình “Đảm bảo an ninh trật tự”, “Sản xuất thanh long Việt gháp”, “Nuôi bồ câu Pháp cho thu nhập cao”, “Nuôi trùn quế kết hợp với sản xuất nông nghiệp”, “Nuôi dông”. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh nhân rộng các mô hình “05 không - 03 sạch”, “Hũ gạo tình thương”, “Gia đình không có chồng, con vi phạm pháp luật”.... Đoàn Thanh niên tổ chức các hoạt động tình nguyện góp công đảm nhận nâng cấp, bê tông hóa các tuyến đường giao thông nông thôn; nạo vét kênh mương nội đồng; làm nhà văn hóa thôn. Hội cựu chiến binh phát động triển khai phong trào "Cựu chiến binh gương mẫu, làm kinh tế giỏi", xây dựng “Mái ấm đồng đội”. Khối dân vận xã Nghị Đức (Tánh Linh) tham mưu và vận động nhân dân thực hiện mô hình “Thu gom rác thải đảm bảo vệ sinh môi trường”, “Làm đường giao thông nông thôn”, “Cánh đồng mẫu lớn cho năng suất và thu nhập cao”. Ban Dân vận huyện Tuy Phong tham mưu triển khai mô hình “Mỗi đoàn thể đăng ký thực hiện một việc làm cụ thể”. Ban Dân vận huyện Đức Linh tổ chức hội thi “dân vận khéo tuyên tuyền về xây dựng nông thôn mới”. Bằng nhiều hình thức, Mặt trận, đoàn thể các cấp, các ngành đã vận động, huy động được các nguồn lực đóng góp trên 80 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các xã (trong đó nhân dân đóng góp trên 31 tỷ đồng làm giao thông nông thôn); vận động nhân dân đóng góp hàng ngàn ngày công để xây dựng, cải tạo nâng cấp hệ thống thoát nước; thu gom, xử lý rác thải, nước thải; trồng cây xanh, thường xuyên duy trì các hoạt động giữ gìn vệ sinh, môi trường, làm sạch đẹp đường làng, ngõ xóm....
Theo Bộ tiêu chí chung thì đến cuối năm 2012 tỉnh Bình Thuận có 10 xã đạt 10 – 12 tiêu chí; 50 xã đạt 5 – 9 tiêu chí; 36 xã đạt dưới 5 tiêu chí; mục tiêu của tỉnh là đến năm 2020 có 21 xã đạt chuẩn về xây dựng nông thôn mới.
Tuấn Cường