Hải Ninh là xã thuộc huyện Bắc Bình (tỉnh Bình Thuận), có diện tích tự nhiên là 47,8 km², dân số 9.344 người, trong đó trên 70% là dân tộc Tày, Nùng, Hoa; kinh tế của địa phương chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Năm 2011 xã được huyện Bắc Bình và Tỉnh chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới; thời điểm đó xã mới chỉ có 03 tiêu chí đạt tiêu chuẩn theo quy định là giao thông, tỷ lệ hộ nghèo và văn hóa. Với thực trạng như thế thì việc phấn đấu để địa phương đạt chuẩn về xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2011-2015) là khó khăn, thách thức lớn cho cả hệ thống chính trị xã và nhân dân trong xã.
Trước tình hình đó, Đảng bộ xã Hải Ninh xác định xây dựng nông thôn mới là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của toàn Đảng bộ. Với quyết tâm cao, Đảng bộ đã đề ra nhiều giải pháp để tập trung lãnh đạo, triển khai thực hiện đạt kết quả, mục tiêu xây dựng nông thôn mới, trong đó giải pháp công tác dân vận được xem là một trong những nội dung quan trọng trong thực hiện xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Theo đó, Đảng bộ xã đã ban hành nghị quyết, chương trình hành động, kế hoạch để triển khai thực hiện các chủ trương chỉ đạo của cấp trên; đồng thời tổ chức quán triệt sâu kỹ trong cán bộ, đảng viên; tuyên truyền sâu kỹ, vận động, thuyết phục làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức đầy đủ về mục đích, ý nghĩa, nội dung của chủ trương xây dựng nông thôn mới; từ đó xác định nghĩa vụ và trách nghiệm của từng tổ chức và cá nhân trong xây dựng nông thôn mới; đồng thời tổ chức phát động sâu rộng phong trào thi đua “Chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới”, xây dựng giao thông nông thôn để toàn dân tham gia hưởng ứng một cách tự giác.
Trong quá trình triển khai thực hiện, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn chú ý thực hiện tốt quy chế dân chủ, phát huy tốt quyền làm chủ của nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới, nhất là tổ chức cho nhân dân tham gia ý kiến xây dựng đề án và lập quy hoạch, công khai quy hoạch, kinh phí đầu tư, thiết kế xây dựng các công trình công cộng để nhân dân biết, bàn bạc và tổ chức giám sát trong quá trình đầu tư, huy động vốn và thi công các công trình trên địa bàn xã. Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, hội quần chúng ở xã đẩy mạnh công tác tuyên tuyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân hưởng ứng, tham gia thực hiện phong trào thi đua “Chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” làm cho nhân dân hiểu sâu sắc vai trò chủ thể của mình trong xây dựng nông thôn mới với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân đóng góp, dân hưởng lợi”; công tác sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua gắn với biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân điển hình trong tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới được địa phương chú trọng.
Nhờ tăng cường đẩy mạnh công tác dân vận, nhận thức về chương trình xây dựng nông thôn mới trong cán bộ, đảng viên và nhân dân được nâng lên, giảm bớt tư tưởng trông chờ, ỷ lại trong việc thực hiện các tiêu chí nông thôn mới ở cơ sở; các phong trào thi đua đã đi vào tâm thức của mỗi người dân và tạo đà cho mục tiêu xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Trong 05 năm qua, toàn xã đã huy động nguồn lực để xây dựng nông thôn mới với tổng số tiền gần 360,684 tỷ đồng; trong đó nhân dân đóng góp gần 125 tỷ đồng, chiếm 34,65% tổng vốn huy động, đây cũng là điểm mạnh của Hải Ninh so với nhiều địa phương khác. Với sự nỗ lực của hệ thống chính trị và nhân dân trong xã, cuối năm 2015 xã Hải Ninh đã hoàn thành 19/19 tiêu chí và được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận xã đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới. Kết quả nổi bật là hệ thống đường giao thông nông thôn được đầu tư khang trang, tạo ra bộ mặt mới của Hải Ninh đang trên đà phát triển; hệ thống chính trị thường xuyên được quan tâm củng cố, đội ngũ cán bộ của xã cơ bản đạt chuẩn theo quy định, Đảng bộ xã hàng năm đều đạt trong sạch vững mạnh; cơ sở vật chất giáo dục, y tế được đầu tư đáng kể, đã có 75% số trường học đạt chuẩn về cơ sở vật chất, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế là 71,1%, cao hơn mức chung của tỉnh; đời sống nhân dân trong xã được cải thiện đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn ở mức 0,6% và hộ cận nghèo là 0,8%...
Từ kết quả thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới thời gian qua, đã tăng thêm sự phấn khởi và niềm tin tưởng của nhân dân trong xã đối với cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội ở địa phương; đồng thời tạo động lực mạnh mẽ để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Hải Ninh trong thời gian đến.