Giám sát và phản biện xã hội đã được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện từ nhiều năm nay; song, với Hiến pháp năm 2013 và các quyết định số 217-QĐ/TW và số 218-QĐ/TW, ngày 12-12-2013, của Bộ Chính trị khóa XI thì trách nhiệm và quyền hạn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giám sát, phản biện xã hội đã được pháp luật hóa ở mức cao nhất. Cơ chế thực hiện giám sát và phản biện xã hội được cụ thể hóa, đòi hỏi đóng góp của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải cao hơn, hiệu quả hơn, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới. Tại Bình Thuận, trên cơ sở các quy định, hướng dẫn của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; cùng với chỉ đạo, định hướng của các cấp ủy, sự phối hợp và tạo điều kiện của các cấp chính quyền, từ đó tổ chức Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện các nội dung giám sát, phản biện xã hội theo tinh thần Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị.
Qua 2 năm triển khai thực hiện, tại Hội nghị sơ kết rút kinh nghiệm việc thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW, số 218-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) được Ban Dân vận Tỉnh ủy Bình Thuận tổ chức vào cuối tháng 02/2016, các địa phương, đơn vị đã đánh giá, khẳng định về những kết quả thiết thực bước đầu. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc giám sát các cơ quan chính quyền, đảng viên, cán bộ công chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; phát huy dân chủ, huy động sức mạnh, trí tuệ của nhân dân tham gia vào quá trình ban hành, thực thi các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, để các chủ trương, chính sách được ban hành thực sự đúng đắn, phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, tăng cường sự đồng thuận xã hội. Tuy nhiên, quá triển khai thực hiện cũng còn không ít khó khăn, vướng mắc, lúng túng và điều đó xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là do năng lực giám sát, phản biện của Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội còn nhiều hạn chế.
Tuy không phải là công việc mới; song với Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) thì công tác giám sát, phản biện xã hội đã quy định rõ ràng hơn về nguyên tắc, chủ thể, đối tượng, phạm vi, trách nhiệm của chủ thể và đối tượng nhằm thực hiện tốt hơn việc huy động sự tham gia của nhân dân, phát huy trí tuệ nhân dân thông qua tổ chức đại diện của mình. Do vậy, muốn thực hiện tốt việc giám sát, phản biện xã hội thì phải có lực lượng, có thời gian, có cơ chế; phải hiểu, phải nắm được việc cấp ủy, các cơ quan nhà nước đang làm; phải có thông tin, có trình độ và kiến thức...; và điều cốt lõi nhất là Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội cần phải nâng cao năng lực hoạt động theo hướng:
(1) Nâng cao năng lực tổ chức công tác giám sát, phản biện của cơ quan Uỷ ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội các cấp. Các cơ quan phải xem đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên hằng năm; phân công cụ thể bộ phận, phòng (ban) chuyên môn, cán bộ đủ năng lực để theo dõi, tham mưu chuyên sâu chuyên đề.
(2) Tổ chức thực hiện tốt hơn việc nắm thông tin, phân tích, tổng hợp tình hình nhân dân; nghiên cứu đề xuất nội dung giám sát, phản biện xã hội phù hợp, kịp thời, sát với yêu cầu thực tiễn để chủ trương, chính sách thực sự đi vào cuộc sống, góp phần chăm lo tốt đời sống nhân dân, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của đoàn viên, hội viên và nhân dân.
(3) Tập trung xây dựng và phát huy vai trò các tổ chức, cá nhân là thành viên của tổ chức mình có kinh nghiệm, kiến thức chuyên sâu để tư vấn, tham gia giám sát, phản biện; nhất là những cá nhân là lãnh đạo tiền nhiệm, các nhà khoa học, đội ngũ tri thức trên các lĩnh vực... thật sự có tâm huyết với sự phát triển của địa phương, đất nước.
(4) Thường xuyên nghiên cứu, rút kinh nghiệm nhằm bổ sung, hoàn thiện hình thức, phương pháp thực hiện một cách cụ thể hơn, sát tính chất, đặc điểm, chức năng của tổ chức mình. Đưa nội dung giám sát, phản biện xã hội vào nội dung tập huấn, bồi dưỡng cán bộ, đoàn viên, hội viên theo hệ thống của mình với thời lượng, nội dung phù hợp từng đối tượng.
Với những nội dung chia sẻ nói trên, cùng với sự tích cực, chủ động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh; hy vọng rằng việc thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh thời gian đến sẽ đạt hiệu quả cao hơn.