Người Hoa đến Bình Thuận vào khoảng thế kỷ thứ XVII, có nguồn gốc từ nhiều địa phương khác nhau của Trung Quốc, song chủ yếu là các tỉnh ven biển Hoa Nam như Quảng Đông và Phúc Kiến. Do đến bằng đường biển nên họ tìm đến các cửa biển để định cư và sinh sống. Lúc đầu, người Hoa sống bằng nghề nông, một bộ phận làm nghề biển và buôn bán nhỏ, một thời gian sau, họ quan hệ buôn bán với các thương thuyền nước ngoài và dần dần hình thành một cửa biển buôn bán sầm uất với dân bản địa là người Việt và người Chăm trong khu vực. Thời kỳ này, các cư dân từ Trung Hoa tiếp tục đến định cư, dân số tăng dần, họ sống xen kẽ, hoà đồng với cộng đồng người Việt. Người Hoa sống liên kết dưới hình thức “Bang” rất chặt chẽ và được gắn liền với tên các địa phương như Bang Triều Châu, Bang Phúc Kiến, Bang Quảng Đông, Bang Hải Nam... Khi hoà nhập vào cộng đồng người Việt với môi trường, hoàn cảnh mới và tiếp xúc với các truyền thống văn hóa của người Việt, họ đã có những thay đổi trong truyền thống riêng để thích ứng với hoàn cảnh chung nhưng vẫn giữ những cốt cách riêng của truyền thống văn hóa Trung Hoa; trong đó có tục thờ Quan Thánh Đế Quân, còn được gọi là Quan Công.
Hiện nay, người Hoa ở Bình Thuận chiếm 1,2% dân số toàn tỉnh (12.956 khẩu) và chiếm 17,04% so với 33 dân tộc thiểu số khác trong tỉnh; phân bổ ở 7/10 huyện, thị xã, thành phố, sống tập trung đông nhất ở huyện Bắc Bình và thành phố Phan Thiết. Đền thờ Quan Thánh Đế Quân được người Hoa ở Phan Thiết đặt ở Chùa Ông (trước đây gọi là Đền Quan Công hay Quan Đế Miếu). Chùa Ông được xây dựng và hoàn thiện vào năm 1778 và cũng chính là lúc các nghi lễ thờ cúng Quan Công được thực hiện ở Chùa theo phong cách và phương thức của người Trung Hoa.
Riêng lễ hội Nghinh Ông ở Phan Thiết là lễ hội tưởng nhớ đến Quan Thánh Đế Quân; không biết tự bao giờ cứ hai năm đáo lệ một lần; lễ hội Nghinh Ông được tổ chức vào hạ tuần tháng 7 Âm lịch và diễn ra liên tiếp ba ngày; theo người Hoa thì tháng 7 Âm lịch là mùa báo hiếu với tổ tiên, với thánh thần; lễ hội diễn ra gần với lễ Vu Lan của Phật giáo, phần nào đó thể hiện được sự hoà đồng giữa người Hoa và người Việt trong văn hóa và tín ngưỡng tôn giáo. Về cơ bản lễ hội vẫn giữ được các yếu tố chính gốc từ xa xưa, có hai phần Lễ và Hội riêng biệt. Nét độc đáo của lễ hội Nghinh Ông là toàn bộ các lễ vật dâng tế cho thánh, thần, tiền hiền, tổ tiên... trong ba ngày lễ đều mang tính thuần khiết của Phật giáo, bao gồm đèn, hương, hoa, quả, bánh và đều sử dụng đồ chay. Một đặc điểm quan trọng khác là ngay ở Trung Quốc từ xa xưa việc xuất giá, đưa Ông đi du hành cũng đã có trong văn hóa dân gian Trung Quốc. Người Hoa ở Việt Nam đại đa số thờ Quan Công ở chùa hoặc trong từng gia đình cùng với nghi thức thờ cúng thông thường; chỉ riêng ở Phan Thiết đồng bào người Hoa tổ chức lễ hội Nghinh Ông.
Phần lễ là phần quan trọng nhất của lễ hội; là nghi thức tưởng nhớ đến những anh hùng dân tộc, những bật tiền hiền, tiền bối có công lớn với đất nước, làng xã hay tổ tiên, là sự thờ phụng của nhân dân đối với nhân vật được thờ trong đền, miếu. Trong hai ngày đầu, phần lễ được tiến hành với 16 nghi lễ với những tên gọi khác nhau như: Lễ thỉnh Thánh Mẫu, lễ thỉnh kinh, lễ thỉnh nước, lễ tỉnh Chiêu Ứng công, lễ khai kinh, lễ yết Quan Thánh và các vị tiền hiền.v.v.,. Tất cả các nghi thức, nghi lễ gắn kết với nhau theo tuần tự và có sự phối hợp, đan xen, trong lễ có hội - trong hội có lễ, gắn bó giữa cái hiện đại và cái hư vô của cuộc sống, giữa thực tế cuộc sống với thế giới tâm linh và chính sự đan xen này phần nào đó tạo ra phần hồn cho lễ hội.
Sau hai ngày diễn ra với hàng chục nghi lễ lớn nhỏ; tiếp đến là phần hội. Đây là nội dung quan trọng của lễ hội và gây ấn tượng nhất. Phần hội Nghinh Ông chính là đặc trưng trong lễ hội của người Hoa Phan Thiết so với các nơi khác. Người dân ở Phan Thiết và từ các nơi khác đến Phan Thiết rất quan tâm và mong muốn được nhìn thấy, được tham gia trong dòng người, trong không khí tưng bừng nhộn nhịp của lễ hội Nghinh Ông. Đã thành thông lệ, trước Lễ vài ngày, tất cả các nẻo đường rước kiệu Ông đi qua, tất cả mọi gia đình (không kể dân tộc nào) đều làm vệ sinh sạch sẽ. Những chủ ghe lớn, hiệu buôn, các hàm hộ (những chủ làm nước nắm) trước ngày Nghinh Ông, họ huy động nhân lực đưa cát trắng từ bờ biển về đổ một lớp trên đường để kiệu Ông đi qua được sạch sẽ, gọn gàng, cầu mong cho Ông phù hộ làm ăn được phát đạt, tai qua nạn khỏi. Những gia đình có nhà, cửa tiệm ở đoạn đường mà đoàn rước kiệu Ông diễu hành đi qua, bà con tự nguyện đóng cửa tiệm để bảo đảm trật tự, một số gia đình chuẩn bị bàn thờ, vật thờ để đón rước kiệu của Quan Thánh và các kiệu của những vị Thánh thần đi qua; trong đó có 4 con đường đến 4 Hội quán của người Hoa bắt buộc đoàn rước kiệu Ông phải đi qua và nghé thăm. Vì người Hoa quan niệm rằng phải có Ông ghé thăm các Hội quán của các Bang thì bà con mới yên ổn làm ăn, cuộc sống mới ấm no hạnh phúc. Cùng với diễu hành là phần trình diễn múa rồng, múa lân, đồng tử bái Quan Âm, Bát tiên, Bát bửu, các điệu múa dân gian như gánh hoa, múa quạt... và những trò diễn mang màu sắc của lễ hội hóa trang hiện đại như hóa trang nhân vật Châu Xương, Quang Bình, lính hầu ngựa,....Kết thúc diễu hành, đoàn rước lại đưa kiệu Ông và kiệu các vị Thánh thần quay về lại Quan Đế Miếu, tại đây nghi lễ cũng được chuẩn bị đón đoàn Nghinh Ông về và kết thúc lễ hội.
Có thể nhận thấy rằng, lễ Hội Nghinh Ông là lễ hội thuộc văn hóa dân gian, thể hiện rõ tín ngưỡng, sắc thái văn hóa của người Hoa ở Phan Thiết, nội dung của lễ hội còn giữ nguyên được những yếu tố nguyên gốc, đó là cái đáng quý và đáng trân trọng nhất của văn hóa phi vật thể và là di sản, là tài sản chung của cộng đồng người dân Bình Thuận và đã góp phần khôi phục các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc ở Bình Thuận nói riêng và cả nước nói chung. Và trên hết, lễ Hội Nghinh Ông phản ảnh được nhu cầu của nhân dân về tín ngưỡng dân gian, bày tỏ ước nguyện của mình về một cuộc sống thanh bình, cầu cho “Quốc thái dân an”, “Mưa thuận gió hoà” mọi người và xã hội được ấm no, hạnh phúc.