Để phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, “Nhân dân làm chủ” trong cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”; đặc biệt là sau khi Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 217-QĐ/TW, 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 về Quy chế giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội và Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Quyết định số 99-QĐ/TW, ngày 03/10/2017 về Hướng dẫn khung để các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái,“tự diễn biến”,“tự chuyển hóa” trong nội bộ và Quy định số 124-QĐ/TW, ngày 02/02/2018 về giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên; Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận đã ban hành 05 Chỉ thị, 05 Kế hoạch, 10 Công văn, 02 Hướng dẫn, 01 Kết luận, 02 Quy định và 01 Quy chế để lãnh đạo, chỉ đạo các nội dung liên quan đến phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều văn bản để cụ thể hóa, chỉ đạo thực hiện, phát huy dân chủ, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền, cơ quan Nhà nước các cấp trong tỉnh, trong đó có chú ý đến các lĩnh vực nhạy cảm, phức tạp, những vấn đề mà nhân dân quan tâm hoặc báo chí phản ánh, nhằm tạo sự đồng thuận ngày càng cao trong xã hội.
Với phương châm xác định mọi nhiệm vụ chính trị được đề ra trong các chủ trương, nghị quyết, chính sách, chương trình đều nhằm phục vụ nhân dân, đảm bảo lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân, hài hòa các lợi ích; các cấp ủy, chính quyền đã chú trọng phát huy quyền làm chủ của nhân dân thông qua tăng cường đổi mới phương thức lãnh đạo, điều hành gắn với bám sát quy chế làm việc đã được ban hành; phát huy dân chủ nội bộ và dân chủ trong xã hội. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chú trọng lãnh đạo việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, lấy kết quả thực hiện QCDC làm cơ sở để xem xét, đánh giá, xếp loại của cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy hàng năm; tổ chức cho nhân dân tham gia giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng đảng, xây dựng chính quyền đối với các chủ trương, chính sách, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, những vấn đề quan trọng liên quan đến hồ sơ, thủ tục hành chính, đơn thư khiếu nại, tố cáo của nhân dân; tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân phát huy đúng mức vai trò, trách nhiệm của mình trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Định kỳ hằng tháng, Bí thư cấp ủy các cấp bố trí lịch tiếp công dân đảm bảo theo Quy định số 11-QĐi/TW, ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị; tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền với nhân dân ngày càng đi vào nền nếp; thông qua tiếp dân, đối thoại, các cấp ủy, chính quyền đã nắm bắt tình hình, giải thích, giải quyết kịp thời những tâm tư nguyện vọng, những vấn đề còn vướng mắc, bức xúc trong nhân dân, nhất là công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư, đồng thời tiếp thu các ý kiến góp ý của nhân dân đối với sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của cấp ủy, của chính quyền, từ đó có những giải pháp cụ thể trong lãnh đạo, điều hành và tạo sự đồng thuận, niềm tin của nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền địa phương. Hàng năm, cấp ủy các cấp đã định hướng, phê duyệt nội dung giám sát, phản biện xã hội để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội chủ động thực hiện và đã kiến nghị những nội dung thiết thực, phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội, nâng cao tính khả thi, hiệu quả của các chủ trương, chương trình, đề án, dự án; đã có chú ý tổ chức giám sát trong thực hiện các công trình, dự án có liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của người dân. HĐND tỉnh đã cụ thể hóa và ban hành các nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, bảo đảm đúng quy định của pháp luật và đáp ứng nguyện vọng, quyền lợi chính đáng của nhân dân; phối hợp tổ chức tham vấn ý kiến nhân dân đối với những vấn đề có tác động trực tiếp đến đa số nhân dân; lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân để đảm bảo tính khả thi khi triển khai thực hiện các nghị quyết; kịp thời điều chỉnh, bổ sung nội dung các nghị quyết đã ban hành cho phù hợp yêu cầu thực tiễn. UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời bãi bỏ, thay thế các văn bản, các thủ tục hành chính không phù hợp, rườm rà, phức tạp trên một số lĩnh vực trọng tâm (đầu tư, đất đai, xây dựng, sở hữu nhà ở, tiếp cận điện năng, quản lý thị trường, y tế, giáo dục,...); đến nay toàn tỉnh đã rút ngắn thời gian giải quyết của 1.352/1.764 thủ tục hành chính, đạt tỷ lệ 76,64% nhằm đảm bảo chủ trương, nghị quyết của Đảng phù hợp với yêu cầu thực tiễn và đáp ứng nguyện vọng, lợi ích chính đáng của nhân dân; công tác tiếp công dân, tiếp nhận, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân được quan tâm giải quyết; qua giải quyết đã khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp cho công dân; đồng thời phát hiện những sai phạm để xử lý theo quy định. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đã có sự đổi mới nội dung, phương thức hoạt động gắn với thực hiện quy chế dân chủ; thể hiện tốt hơn vai trò đại diện và bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên (Thường xuyên lắng nghe, tập hợp các ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân để phản ánh với Đảng, Nhà nước; tích tực tham gia vào các hội đồng, hội thẩm nhân dân để bảo vệ quyền lợi của người dân; thực hiện giám sát, phản biện xã hội về những vấn đề, vụ việc được nhân dân quan tâm;...) và thật sự là trung tâm, là cầu nối giữa nhân dân với Đảng, chính quyền. Tuy nhiên, nghiêm túc nhìn nhận vấn đề này vẫn còn nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh, là do: Việc cụ thể hóa chủ trương, quan điểm của Đảng đối với vấn đề “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” chưa thật sự rõ ràng, cụ thể để đảm bảo phát huy đúng mức vai trò làm chủ và quyền làm chủ của nhân dân; quyền làm chủ của nhân dân ở không ít nơi vẫn còn bị vi phạm; chưa được tôn trọng và phát huy đầy đủ; dẫn đến khiếu kiện đông người, vượt cấp phức tạp. Nhận thức về chủ trương “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức còn hạn chế nên còn xảy ra tình trạng thiếu trách nhiệm, vi phạm quyền làm chủ, quyền lợi của nhân dân. Nhận thức và thực hiện dân chủ của một bộ phận nhân dân không đầy đủ, còn lệch lạc; không ít trường hợp chỉ thấy quyền lợi mà không thấy nghĩa vụ; chỉ thấy lợi ích cá nhân, mà không thấy lợi ích cộng đồng; đáng chú ý là có trường hợp lợi dụng dân chủ để gây rối, đả kích, gây mất trật tự xã hội. Hoạt động của hệ thống chính quyền hiệu lực, hiệu quả quản lý chưa cao; tinh thần trách nhiệm và ý thức phục vụ người dân của một số bộ phận CBCC Nhà nước chưa tốt; tệ tham nhũng, quan liêu, cửa quyền, gây phiền hà cho nhân dân vẫn chưa được ngăn chặn triệt để; còn nhiều nguyện vọng chính đáng, yêu cầu, bức xúc trong cuộc sống của người dân chưa được giải quyết hoặc giải quyết không đến nơi, đến chốn. Đời sống một bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn, thiếu hiểu biết về pháp luật, dễ bị các thế lực thù địch kích động, lợi dụng hoặc bị vi phạm quyền lợi.
Trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế sâu rộng sẽ phát sinh nhiều vấn đề tác động trực tiếp hoặc gián tiếp tới sự phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh và lợi ích của người dân. Do đó, trong thời gian tới, đòi hỏi cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể các cấp và mỗi cán bộ, đảng viên phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; xây dựng và vận hành tốt cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ" theo quan điểm nhất quán lấy “người dân là trung tâm” và đặt lợi ích của nhân dân lên trên, lên trước trong quá trình xây dựng, hoạch định, ban hành chủ trương, chính sách. Vì vậy, rất cần hoàn thiện thể chế gắn với phát huy tốt hơn nữa vai trò, vị trí, trách nhiệm của từng thành tố trong hệ thống chính trị nhằm vận hành cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” hiệu quả nhất./.