Bình Thuận có 34 dân tộc thiểu số với 101.733 người/24.187 hộ gia đình, chiếm 7,95% dân số của tỉnh; đồng bào dân tộc thiểu số cư trú rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh với hình thức cư trú phổ biến là sống xen kẽ; trong đó, các dân tộc Raglai, Cơ Ho, Chơ Ro sinh sống tập trung ở 11 xã và 20 thôn xen ghép; đồng bào Chăm cư trú tập trung ở 04 xã (Phan Thanh, Phan Hiệp, Phan Hòa thuộc huyện Bắc Bình; xã Phú Lạc thuộc huyện Tuy Phong) và 9 thôn xen ghép ở ven các trục đường quốc lộ, tỉnh lộ; dân tộc Tày, Nùng, Hoa chủ yếu sống ở 2 xã Hải Ninh và Sông Lũy (huyện Bắc Bình). Tuyệt đại đa số đồng bào tin tưởng và chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có ý thức tự lực, tự cường, tích cực lao động sản xuất và giữ vững tình đoàn kết giữa các dân tộc trên địa bàn sinh sống.
Qua 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa IX) và Nghị quyết số 15-NQ/TU, ngày 08/10/2003 của Tỉnh ủy (khóa X) về công tác dân tộc; nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể các cấp, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh về công tác dân tộc có nhiều chuyển biến tích cực; kết quả công tác dân tộc đã đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện, nổi bật là: Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh ngày càng được cải thiện, phát triển vượt bậc so với trước khi có Nghị quyết; nếu như năm 2003, hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số (theo tiêu chí cũ) chiếm 24,63% thì đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) còn 9,62%. Kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội được tập trung đầu tư xây dựng, diện mạo nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi rõ nét. Bằng các nguồn lực của Trung ương và địa phương, tỉnh đã đầu tư xây dựng hàng trăm công trình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số với tổng kinh phí trên 1.200 tỷ đồng. Đến nay, 100% xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có đường ô tô thảm nhựa thông suốt đến trung tâm xã; điện lưới quốc gia, hạ tầng bưu chính, viễn thông phủ khắp; tỷ lệ hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 88,3%; cấp đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số với tổng diện tích 15.281,08 ha/14.279 hộ (bình quân trên 01 ha/hộ), góp phần mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp, thâm canh, tăng vụ, tạo điều kiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào tiếp tục được quan tâm; đã xây dựng 5.543 căn nhà cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; giải quyết cho 3.160 hộ vay mua 4.680 con bò với giá trị vốn vay hơn 22 tỷ đồng (hỗ trợ lãi 3 năm); thực hiện đầu tư ứng trước giống, vật tư, các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống và trợ cước vận chuyển với tổng giá trị trên 18,7 tỷ đồng/năm... Sự nghiệp giáo dục, y tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số được chăm lo tốt hơn. Các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số tiếp tục được bảo tồn và phát huy. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số căn bản được giữ vững. Hệ thống chính trị ở cơ sở được quan tâm củng cố, kiện toàn và ngày càng hoạt động hiệu quả; đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số ngày càng trưởng thành, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đến nay, có 4/17 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện Nghị quyết của Trung ương, của tỉnh về công tác dân tộc vẫn còn một số hạn chế khó khăn cần quan tâm khắc phục như: Công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều khó khăn, tập quán sản xuất còn lạc hậu, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo, tái nghèo còn cao; trình độ dân trí, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, địa phương trong triển khai thực hiện một số nội dung chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ; tình trạng suy thoái về tài nguyên, môi trường, tác động của biến đổi khí hậu khu vực miền núi, vùng cao đã ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Để tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc; tại Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Trung ương về công tác dân tộc, đồng chí Dương Văn An, Phó Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, các ban, ngành trong tỉnh tập trung thực hiện một số nội dung sau:
Một là, cần quán triệt thật sâu sắc những quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc. Thông qua thực hiện các chủ trương, chính sách để làm sâu sắc hơn về đại đoàn kết toàn dân tộc; tạo sức mạnh dân tộc để phát triển.
Hai là, kịp thời cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến đồng bào dân tộc để các chủ trương, chính sách nhanh chóng đi vào thực tiễn cuộc sống, từ đó tăng cường niềm tin của đồng bào các dân tộc thiểu số đối với Đảng, Nhà nước, trong đó tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa X), giải quyết đất sản xuất cho đồng bào, đẩy mạnh công tác khuyến nông, áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng và nhu cầu của thị trường; tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực đất đai, quản lý bảo vệ rừng; phải nâng cao một bước rõ rệt về kinh tế cho đồng bào dân tộc; giảm hộ nghèo, giải quyết việc làm, giúp nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên giàu có. Ưu tiên nguồn kinh phí kết hợp với phát động phong trào quần chúng làm thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng, giải quyết tốt vấn đề nước sản xuất cho đồng bào dân tộc. Đẩy mạnh xã hội hóa kết hợp với các chương trình mục tiêu quốc gia. Tiếp tục đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở vùng đồng bào dân tộc; xây dựng bộ mặt nông thôn mới vùng đồng bào dân tộc ngày càng văn minh, sạch đẹp. Chăm lo phát triển văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào dân tộc; tạo điều kiện cho đồng bào các dân tộc thiểu số giữ gìn, phát huy những giá trị bản sắc, văn hóa truyền thống; các lễ hội đặc trưng, tiêu biểu; các ngành nghề truyền thống gắn với xóa bỏ hủ tục, mê tín dị đoan. Các địa phương vùng đồng bào dân tộc đẩy mạnh phong trào bảo vệ môi trường, tuyên truyền vận động bà con nông dân, nhân dân về ý thức giữ vệ sinh môi trường. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể và các cấp tổ chức phong trào thật sự hiệu quả về vấn đề bảo vệ môi trường; quyết tâm xây dựng nông thôn nói chung và nông thôn ở vùng đồng bào các dân tộc ngày càng xanh, sạch, đẹp. Duy trì và thực hiện tốt phòng trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; ngăn chặn việc lợi dụng các vấn đề dân tộc, đất đai, khiếu nại, tố cáo để gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, chia rẽ khối đại đoàn kết giữa các dân tộc, cũng như kích động, làm mất lòng tin của đồng bào dân tộc đối với Đảng, Nhà nước.
Ba là, tiếp tục chăm lo sự nghiệp giáo dục, đào tạo cho con em vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đảm bảo cho con em vùng đồng bào dân tộc thiểu số được học tập, hạn chế bỏ học giữa chừng. Khuyến khích việc học nghề, có nghề nghiệp ổn định, có kiến thức, kỹ năng để áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa. Quan tâm công tác quy hoạch, bố trí, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số, tạo điều kiện cho cán bộ học tâp, nâng cao trình độ chuyên môn để làm việc tốt.
Bốn là, xây dựng hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng vững mạnh; chú ý xây dựng Đảng, phát triển đảng viên, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở chức; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội ở vùng nông thôn nói chung và vùng đồng bào dân tộc nói riêng.
Tiếp tục quán triệt quan điểm về công tác dân tộc mà Nghị quyết 24-NQ/TW của Trung ương đã nêu: “Vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, đồng thời cũng là vấn đề cấp bách hiện nay của cách mạng Việt Nam”; trên cơ sở đúc rút các kinh nghiệm đã làm được và chưa làm được, hy vọng rằng trong thời gian đến các cấp, các ngành sẽ tiếp tục phối hợp thực hiện công tác dân tộc ngày càng tốt hơn, góp phần phát triển toàn diện dân sinh, kinh tế – xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, cải thiện đời sống, vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, nâng cao niềm tin của đồng bào đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế – xã hội địa phương.