Những năm qua, trong điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh còn nhiều khó khăn; song, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp tích cực của các mặt trận, đoàn thể và sự đồng tình thống nhất của các tầng lớp nhân dân, công tác dân vận trong toàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII (nhiệm kỳ 2010 - 2015). Nổi rõ là:
Một là, các cấp ủy, tổ chức đảng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đổi với công tác dân vận: Trong nhiệm kỳ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành hơn 50 văn bản các loại để lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện về công tác dân vận; lãnh đạo tổ chức thành công đại hội nhiệm kỳ của Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội và một số hội quần chúng các cấp; đồng thời chỉ đạo đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với "học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”... Qua đó, đã tạo sự chuyển biến khá rõ trong công tác dân vận, tăng cường khối đại đoàn kết và phát huy dân chủ trong nhân dân.
Hai là, công tác dân vận trong các cơ quan nhà nước có bước chuyển biến tích cực: nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở các cơ quan, đơn vị về công tác dân vận rõ hơn, đã vận dụng khá tốt công tác dân vận trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn và trong tiếp xúc, giải quyết công việc cho tổ chức và công dân. UBND các cấp, các sở, ngành thường xuyên tổ chức tiếp xúc, đối thoại nhằm giải quyết kịp thời, phù hợp với lòng dân, đúng quy định pháp luật, hạn chế đơn thư khiếu nại vượt cấp; phối hợp với Mặt trận, các đoàn thể nhân dân lấy ý kiến góp ý xây dựng các chính sách phù hợp thực tế, phát huy tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội trong xây dựng, triển khai chủ trương về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Qua đó, có thể nhận thấy tầm quan trọng của công tác dân vận đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng toàn tỉnh; kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá, ước GRDP tăng bình quân 8,9%/năm; có 120/127 xã, phường được công nhận làm tốt công tác thương binh liệt sỹ, chiếm tỷ lệ 94,5%; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 9,09% xuống còn 3,3%. Toàn tỉnh có 703/705 thôn, khu phố phát động xây dựng thôn, khu phố văn hóa, tỷ lệ gia đình văn hóa hàng năm đạt trên 84%.Việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tiếp tục được cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo, thực hiện; tạo sự đoàn kết, đồng thuận cao trong việc xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách ở từng địa phương, cơ sở. Công tác xây dựng tổ chức đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước.
Ba là, nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận, đoàn thể, hội quần chúng tiếp tục có sự đổi mới, hướng mạnh về cơ sở theo Kết luận số 62-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa X); chất lượng, hiệu quả nâng lên, thể hiện tốt hơn vai trò đại diện và bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên; kịp thời phản ánh, đề xuất, kiến nghị với cấp ủy Đảng, chính quyền giải quyết các vấn đề khó khăn, bức xúc của dân. Trong nhiệm kỳ, mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội phát triển mới 300 tổ chức cơ sở và trên 49.000 đoàn viên, hội viên, nâng tổng số toàn tỉnh lên gần 514.000 đoàn viên, hội viên với 2.553 tổ chức cơ sở; tỉ lệ tổ chức cơ sở vững mạnh đạt 80,65%; xây dựng cốt cán chính trị đạt 5%/tổng số ĐV, HV; giới thiệu 25.546 quần chúng ưu tú cho đảng và đã kết nạp 7.277 đảng viên mới.
Bốn là, các cấp, các ngành đã quan tâm, tạo điều kiện cho đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng bào có tín ngưỡng tôn giáo phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống và tổ chức các hoạt động lễ, hội truyền thống. Những nhu cầu chính đáng của đồng bào các dân tộc, tôn giáo đã được giải quyết kịp thời, đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáp theo quy định pháp luật. Qua đó, đồng bào ngày càng gắn bó, tin tưởng vào chủ trương, chính sách đổi mới của Đảng, Nhà nước; tích cực hưởng ứng, tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng cuộc sống "tốt đời, đẹp đạo”. Đến nay, có 100% thôn, bản thuần đồng bào dân tộc thiểu số phát động và đăng ký xây dựng thôn, bản văn hóa; tỷ lệ hộ đạt gia đình văn hóa trên 75%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 12,6%; 97,63% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Công tác phát triển đoàn viên trong đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo được quan tâm; hiện toàn tỉnh có 34.770 đoàn viên, hội viên là người dân tộc thiểu số (chiếm 7,77%) và 88.969 đoàn viên, hội viên tôn giáo (chiếm 19,9% tổng số đoàn viên, hội viên toàn tỉnh).
Năm là, phong trào thi đua yêu nước gắn với phong trào thi đua "Dân vận khéo" tiếp tục được đẩy mạnh ở tất cả các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị. Từ đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Ðảng, sự quản lý điều hành của các cấp chính quyền. Kết quả nổi bật của các phong trào thi đua trong nhiệm kỳ này là xây dựng nông thôn mới, đường giao thông, hệ thống thủy lợi; cải tiến, chấn chỉnh phong cách làm việc của cán bộ công chức thông qua phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, từ đó đã xây dựng, nhân rộng được nhiều mô hình, điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực đời sống xã hội.
Sáu là, hệ thống cơ quan dân vận các cấp tiếp tục được củng cố, kiện toàn: Cấp ủy đảng đã tiếp tục quan tâm củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy, cán bộ Ban dân vận các cấp; hoạt động của tổ dân vận ở thôn, khu phố phát huy hiệu quả. Hiện, toàn tỉnh đã thành lập 549 tổ dân vận thôn, khu phố ở 114/127 xã, phường, thị trấn; trong đó có 90% hoạt động đạt loại khá trở lên.
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy công tác dân vận ở cơ sở cũng còn nhiều hạn chế, đó là: Việc cụ thể hóa các chủ trương, chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác dân vận ở một số cấp ủy, cơ quan, đơn vị còn chậm, chưa sát thực tế và yêu cầu nhiệm vụ. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật có mặt còn hạn chế; việc nắm tình hình, đề xuất giải quyết các vấn đề bức xúc, phát sinh trong nhân dân có lúc chưa kịp thời. Tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội một số nơi chưa đảm bảo. Một số cán bộ, công chức, viên chức tinh thần, thái độ, phong cách trong thực thi công vụ chưa tốt. Nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận, các đoàn thể và hội quần chúng chuyển biến chưa đều; tỷ lệ tập hợp quần chúng vào tổ chức còn thấp; việc xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt chưa nhiều.
Công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, là điều kiện quan trọng bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, củng cố và tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Để làm tốt được vấn đề đó; trong những năm tới các cấp, các ngành trong tỉnh cần đẩy mạnh thực hiện công tác dân vận theo tinh thần Nghị quyết 25-NQ/TW của Trung ương Đảng (khóa XI) và Chương trình hành động số 20-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa XII) "về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới nhằm huy động tốt nhất sức lực, trí tuệ, các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt mục tiêu "cải thiện dân sinh, nâng cao dân trí, phát huy dân chủ, đảm bảo dân an", góp phần hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.