Tỉnh Bình Thuận có dân số hơn 1,4 triệu người; trong đó, người dân ở khu vực nông thôn chiếm 51% dân số, hội viên nông dân chiếm 11,9%; tổ chức Hội nông dân các cấp hiện nay trong tỉnh gồm: Tỉnh hội; 10 huyện, thị, thành hội, 124 hội cấp cơ sở, 691 chi hội thôn, khu phố và 73 chi hội, 268 tổ hội nghề nghiệp. Những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, sự phối hợp, tạo điều kiện của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội các cấp, hoạt động của hội nông dân các cấp và phong trào nông dân trong toàn tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần nâng cao cuộc sống của nông dân, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của tỉnh.
Nhằm tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của hội nông dân và phong trào nông dân; đồng thời triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 46-NQ/TW, ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới; Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận đã xác định rõ quan điểm chỉ đạo: Phải bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với hội nông dân và phong trào nông dân; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân, xây dựng tổ chức hội là trách nhiệm của hệ thống chính trị và xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong đó chủ yếu, trực tiếp là cấp ủy, chính quyền và ban chấp hành hội nông dân các cấp. Tăng cường trách nhiệm của hội nông dân trong đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng và phát huy quyền làm chủ của nông dân; động viên, hỗ trợ nông dân thực hiện tốt vai trò chủ thể, trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới bền vững và công nghiệp hóa, đô thị hóa nông thôn, hội nhập quốc tế nhằm đưa nông nghiệp trở thành 01 trong 03 trụ cột của nền kinh tế tỉnh nhà. Củng cố vai trò nòng cốt chính trị của hội trong phong trào nông dân; nâng cao hiệu quả, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ hội, phát triển tổ chức, phát triển hội viên đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới. Đồng thời, đề ra các mục tiêu tổng quát và cụ thể; trong đó tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng phong trào nông dân, xây dựng hội nông dân các cấp vững mạnh; làm tốt vai trò đại diện; động viên, cổ vũ nông dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm, trình độ, tích cực tham gia phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần; phấn đấu hàng năm đào tạo, bồi dưỡng nghề cho 3.700 hội viên nông dân, lao động nông thôn; bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng cho 1.000 nông dân xuất sắc, nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện trở lên và có trên 70% số hộ nông dân đăng ký phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi,…góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
Để triển khai thực hiện các mục tiêu, quan điểm nêu trên, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; cần tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:
Một là, đổi mới công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp, đoàn kết nông dân, nâng cao hiệu quả phong trào nông dân. Trong đó, phải nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội các cấp về vị trí, vai trò của hội nông dân trong giai đoạn hiện nay; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa nội dung, phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở; đổi mới hình thức tuyên truyền, vận động đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật, mô hình hay, điển hình tiên tiến trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đẩy mạnh hoạt động kết nối giữa tổ chức hội với hội viên, nông dân thông qua Internet, mạng xã hội; xây dựng, phát triển số lượng và hiệu quả các nhóm hội viên nòng cốt, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, cung cấp thông tin chính thống, định hướng cho hội viên, nông dân nhằm nâng cao nhận thức, tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên, tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phát huy giá trị, phẩm chất tốt đẹp của người hội viên nông dân, tích cực xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; phát huy hiệu quả và nhân rộng các mô hình để thu hút đông đảo hội viên, nông dân tham gia khởi nghiệp, sáng tạo, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Hai là, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ hội các cấp đủ phẩm chất chính trị, có trình độ, năng lực thực tiễn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, có uy tín, trưởng thành từ phong trào quần chúng; thường xuyên tổng kết, đánh giá để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động của hội. Đa dạng hóa phương thức, mô hình tập hợp, đoàn kết hội viên nông dân gắn với nguyện vọng, nhu cầu nghề nghiệp, địa bàn dân cư; phát triển các mô hình chi hội, tổ hội, trọng tâm là chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp; đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt hội. Mở rộng đối tượng kết nạp, phát triển hội viên và thành phần sinh hoạt trong chi hội, tổ hội gắn với thực tiễn. Xây dựng cơ sở dữ liệu về hội viên nông dân góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý của hội.
Ba là, tích cực tham gia các chương trình mục tiêu quốc gia, các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do các cấp, các ngành phát động. Trong đó, chú ý tạo điều kiện cho nông dân tham gia các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng xã, huyện đạt tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, chỉ số phát triển con người, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Phát huy vai trò cộng đồng, gia đình, tinh thần học hỏi của nông dân trong xây dựng văn hóa sản xuất, tiêu dùng, sinh hoạt, ứng xử; thực hiện nếp sống văn minh, quy ước, hương ước ở nông thôn; gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Vận động nông dân phát huy vai trò trung tâm, nòng cốt trong các phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Nông dân tham gia bảo đảm quốc phòng, an ninh”,… gắn với phong trào thi đua “Dân vận khéo” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Bốn là, phát huy vai trò của hội nông dân tham gia giám sát, phản biện xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; triển khai thực hiện hiệu quả Đề án số 12-ĐA/TU, ngày 30/01/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đổi mới, nâng cao chất lượng giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trên địa bàn tỉnh; chú trọng giám sát việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; hoạt động của chính quyền; đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, công chức, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý. Nâng cao chất lượng thực hiện quyền dân chủ trực tiếp, pháp luật về dân chủ cơ sở, phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, góp phần bảo đảm quyền làm chủ của nông dân, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Năm là, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với hội nông dân; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng đối với hội nông dân; xây dựng hội vững mạnh toàn diện; tăng cường phát triển hội viên ưu tú cho Đảng. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc thực hiện nghị quyết, chủ trương của Đảng về nông dân và hội nông dân. Lãnh đạo cấp ủy, chính quyền định kỳ tổ chức làm việc với hội nông dân để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, giải quyết khó khăn, vướng mắc trong hoạt động hội, tạo điều kiện để hội nông dân các cấp tham gia thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới; hằng năm, tổ chức hoạt động đối thoại với nông dân và hội nông dân. Tăng cường trách nhiệm của hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên đối với hội nông dân; khuyến khích đảng viên ở nông thôn tham gia sinh hoạt trong tổ chức hội.
Sáu là, hội Nông dân tỉnh triển khai khâu đột phá về đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong công tác hội và quy trình sản xuất, tiêu thụ nông sản theo Nghị quyết Đại hội Hội Nông dân tỉnh lần thứ IX đã đề ra; lãnh đạo các cấp hội nông dân thực hiện tốt vai trò là cầu nối liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, nhà khoa học và Nhà nước; phối hợp với tổ chức, cá nhân hỗ trợ nông dân trong chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới, nhất là giống cây trồng, vật nuôi, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, công nghệ bảo quản, chế biến nông sản, chuyển đổi số, nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát huy hiệu quả sử dụng đất; khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi nghề nghiệp; phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã, các mô hình liên kết, hợp tác theo chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị; vận động hội viên, nông dân tích tụ đất nông nghiệp, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất để tổ chức sản xuất quy mô lớn./.