Phan Thanh là một trong ba xã thuần đồng bào Chăm thuộc huyện Bắc Bình; diện tích tự nhiên là 2.898ha, với 2.058 hộ/9.989 khẩu, được chia thành 07 thôn nằm dọc theo tuyến Quốc lộ 1A trãi dài trên 12km; đời sống của nhân dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp. Những năm trước đây, tình hình thanh thiếu niên tụ tập thành nhóm đánh nhau, trộm cắp vặt, vi phạm giao thông diễn biến hết sức phức tạp, gây dư luận bức xúc trong cán bộ và quần chúng nhân dân. Năm 2013, thực hiện chủ trương của Bộ Công an và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về Chương trình phối hợp số 09/CTr-BCA-MTTW, ngày 01/8/2013 về “Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới” và văn bản chỉ đạo của cấp trên; Đảng ủy, UBND xã Phan Thanh đã thành lập và chỉ đạo Ban chỉ đạo xây dựng phong trào phòng chống tội phạm của xã xây dựng chương trình hoạt động, trong đó lấy trọng tâm tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho đội ngũ chức sắc tôn giáo, người có uy tín của xã để đồng hành cùng chính quyền tuyên truyền, giáo dục tín đồ, quần chúng chấp hành và thực hiện tốt các giải pháp phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội góp phần đảm bảo an ninh trật tự ở địa bàn cơ sở.
Qua 10 năm thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội góp phần đảm bảo an ninh trật tự ở địa bàn cơ sở; xã Phan Thanh đã xây dựng 11 tổ mô hình “Tổ tự phòng, tự quản tuần tra góp phần đảm bảo an ninh, trật tự”, gồm: 07 tổ mô hình “Quần chúng tuần tra đảm bảo an ninh trật tự” trên địa bàn 07 thôn; 03 tổ mô hình “Chức sắc tôn giáo tham gia góp phần giữ gìn an ninh trật tự” của 03 thôn Châu Hanh, Cảnh Diễn, Thanh Kiết; 01 tổ mô hình “Camera và ánh sáng an ninh phòng chống tội phạm”... Các Tổ mô hình đã duy trì thường xuyên việc tuần tra tại các điểm xung yếu về an ninh trật tự tại các thôn, khu vực giáp ranh; qua đó đã phát hiện, xử lý hàng trăm vụ mâu thuẫn, gây gỗ giữa các nhóm thanh thiếu niên với nhau; phát hiện xử lý nhiều vụ trộm cắp gia súc, gia cầm của bà con nhân dân và tham gia hòa giải thành 12 vụ việc mâu thuẫn nội bộ gia đình, tranh chấp đất đai… Đặc biệt, 3 Tổ mô hình “Chức sắc tôn giáo tham gia góp phần giữ gìn an ninh trật tự” của 03 thôn Châu Hanh, Cảnh Diễn, Thanh Kiết đã vận động, hướng dẫn tín đồ chấp hành tốt chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng như những hương ước, quy ước nếp sống văn hóa, phong tục, tập quán ở địa bàn dân cư, trong dòng họ…; tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, đổi mới cây trồng vật nuôi, sản xuất theo hướng hàng hóa nông nghiệp xanh, giữ gìn vệ sinh môi trường đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn, đường làng ngõ xóm; các tệ nạn trộm cắp vặt, đánh nhau, gây rối, cờ bạc, mê tín dị đoan, mâu thuẫn nội bộ, tranh chấp đất đai được đẩy lùi, góp phần tích cực trong phong trào đấu tranh phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự ở địa bàn dân cư.
Để phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội góp phần đảm bảo an ninh trật tự ở địa bàn cơ sở” xã Phan Thanh được nhân rộng và phát huy hiệu quả trong thời gian đến, địa phương cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:
Thứ nhất, Công tác triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội góp phần đảm bảo an ninh trật tự ở địa bàn cơ sở” phải đề ra nội dung sát hợp với tình hình thực tế địa phương và bám sát chỉ đạo của cấp trên; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên để thực hiện. Chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ, giải pháp công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp tuyên truyền vận động cán bộ, hội viên, đoàn viên, nhân dân và chức sắc, người có uy tín trong đồng bào các tôn giáo nâng cao nhận thức và trách nhiệm, đồng tình hưởng ứng tham gia thực hiện.
Thứ hai, Phải gắn kết chặt chẽ giữa phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc với các phong trào thi đua, cuộc vận động cách mạng do các cấp ủy Đảng, chính quyền phát động; trọng tâm là cụ thể hóa phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” một cách cụ thể, dễ nhớ, dễ làm và những vấn đề thiết thực đến đời sống của nhân dân; triển khai thực hiện tốt các chương trình phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, xây dựng đời sống văn hóa, phát triển giáo dục, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân…
Thứ ba, Đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp nâng cao hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, nhằm xây dựng và phát huy mạnh mẽ “Thế trận lòng dân”, xây dựng, củng cố thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc. Tập trung xây dựng và phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên các địa bàn, lĩnh vực; trong đó, chú trọng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng tập trung đông đồng bào theo tôn giáo… Phối hợp, vận động Nhân dân tích cực tham gia phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, giúp đỡ người tái hòa nhập cộng đồng. Xây dựng, nhân rộng và biểu dương, khen thưởng kịp thời những mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc theo hướng tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải về an ninh, trật tự từ cơ sở.
Thứ tư, Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị- xã hội trên địa bàn thường xuyên tiếp xúc, gặp gỡ, thăm hỏi các chức sắc, chức việc, người có uy tín trong tôn giáo, đồng bào có đạo để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng trong sinh hoạt tôn giáo; tranh thủ sự đồng thuận của chức sắc, chức việc đấu tranh, phản đối việc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo của các phần tử cơ hội. Phát huy mặt tích cực của các tôn giáo, vận động chức sắc và đồng bào có đạo tham gia thực hiện các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương, thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội góp phần đảm bảo an ninh trật tự ở địa bàn cơ sở”, “Dân vận khéo” góp phần phát triển kinh tế, xã hội và giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương./.