Chính sách đối với người có công với cách mạng (gọi tắt là người có công) là một trong những chính sách lớn, quan trọng của Đảng, Nhà nước; thể hiện truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta, góp phần chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người có công và gia đình người có công. Tính đến Tháng 9/2022, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có 44.271 người có công với cách mạng, chiếm 0,3% dân số; trong đó, 12.827 liệt sĩ, 2.036 Bà Mẹ Việt Nam anh hùng (37 Mẹ đang còn sống), 10 Anh hùng lực lượng vũ trang, 158 người hoạt động trước Cách mạng tháng 8 năm 1945, 5.016 thương binh, 2.537 bệnh binh và 2.979 người có công giúp đỡ cách mạng.
Để triển khai, thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TW, ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII) về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 25-CT/TU, ngày 15/9/2017 về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng để lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương thực hiện. Theo đó, các cấp, các ngành, địa phương đã cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch và tổ chức nhiều hoạt động thiết thực tri ân, chăm lo đối với người có công trên địa bàn tỉnh.
Qua 5 năm thực hiện (2017-2022), các cấp, các ngành và địa phương trong tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động, việc làm ý nghĩa gắn với phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” nhằm thể hiện trách nhiệm, lòng biết ơn đối với người có công và gia đình người có công. Nổi bật là: Phong trào nhận phụng dưỡng, đỡ đầu, chăm sóc các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh nặng, cha, mẹ liệt sĩ neo đơn, đã có gần 200 cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện với khoản trợ cấp hàng tháng từ 400.000 đồng đến 800.000 đồng/1 đối tượng, gia đình. Đã giải quyết dứt điểm hồ sơ tồn đọng về công nhận người có công với cách mạng (năm 2019). Tổ chức khảo sát, quy tập 28 hài cốt liệt sĩ an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh; tổ chức cất bốc, bàn giao 167 hài cốt liệt sĩ cho thân nhân liệt sĩ đưa về quê an táng. Vận động đóng góp Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” đạt trên 43 tỷ đồng; từ nguồn Quỹ này đã trợ cấp thường xuyên cho 2.305 người có công với cách mạng. Tổ chức cho gần 800 người có công đang sinh sống trên địa bàn tỉnh đi tham quan, về nguồn góp phần động viên tinh thần người có công.... Ngoài ra, nhân Ngày Thương binh liệt sĩ hàng năm, hoạt động thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ được tổ chức ở khắp các nghĩa trang liệt sĩ, đài tưởng niệm, bia ghi danh ở các địa phương trong tỉnh, hoạt động đã thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, nhất là cựu chiến binh, quân nhân và đội ngũ đoàn viên, đội viên và thanh thiếu niên, góp phần giáo dục, giữ gìn và tôn vinh giá trị truyền thống văn hóa dân tộc đối với các thế hệ cha, anh đi trước. Với sự quan tâm của toàn hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, cùng với sự vượt khó vươn lên, đời sống của người có công và gia đình người có công ngày càng ổn định và nâng cao. Đến nay toàn tỉnh có trên 99,5% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân ở nơi cư trú.
Để tiếp tục chung sức, đồng lòng thực hiện tốt hơn nữa truyền thống, đạo lý của dân tộc “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” đối với người có công và gia đình người có công; trong thời gian tới, các cấp, các ngành, địa phương cần tiếp tục tập trung triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 14-CT/TW, ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII) và Chỉ thị số 25-CT-TU, ngày 15/9/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Nghị định số 131/2021/NĐ-CP, ngày 30/12/2021 của Chính phủ về quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng; xác định việc chăm lo, thực hiện chính sách người có công là trách nhiệm, nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Duy trì và thực hiện tốt phong trào "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng", xây dựng và triển khai hiệu quả quỹ "Đền ơn đáp nghĩa". Thường xuyên quan tâm, động viên, khích lệ, kịp thời biểu dương, khen thưởng các thương binh, bệnh binh và gia đình người có công khắc phục khó khăn, tự nỗ lực vươn lên, tiếp tục đóng góp công sức, trí tuệ vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.... Đặc biệt là các cấp, các ngành triển khai, thực hiện tốt chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy sau sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII) và Chỉ thị số 25-CT/TU, ngày 15/9/2017 về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng.