Theo số liệu thống kê cuối năm 2021, Bình Thuận có 34 dân tộc thiểu số với 105.092 khẩu/25.500 hộ (chiếm khoảng 8,3% dân số toàn tỉnh). Đồng bào dân tộc thiểu số sống tập trung ở 17 xã thuần, 37 thôn, khu phố xen ghép. Trong những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị tỉnh Bình Thuận đã thực hiện chính sách gắn với phát huy vai trò quan trọng của chức sắc, người có uy tín để tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; tham gia các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn ở địa phương. Gần đây, ngày 10/3/2022, UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định 639/QĐ-UBND công nhận danh sách người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Bình Thuận với 92 vị/10 thành phần dân tộc. Với uy tín và vai trò của mình, thời gian qua các chức sắc, người uy tín trong đồng bào đân tộc thiểu số đã nêu gương và tuyên truyền, giáo dục, vận động bà con tích cực tham gia cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước. Điển hình trong đồng bào Chăm ở Bắc Bình có ông Xích Ngọc Vàng, ông Đặng Phát tiêu biểu trong thực hiện mô hình “Chức sắc tôn giáo tham gia giữ gìn an ninh, trật tự”, ông Đặng Văn Lẽo, Đặng Văn Lý với mô hình “Dòng tộc văn hóa tự quản về an ninh trật tự”; Sư cả Thông Trận (dân tộc Chăm, Hàm Thuận Bắc) đã vận động người dân đóng góp tiền và công để làm đường giao thông nông thôn; ông Trần Chấn Khôn (người Hoa, ở Đức Nghĩa, Phan Thiết) là gương tiêu biểu về thực hiện nhiều hoạt động xã hội từ thiện giúp người nghèo tại địa phương… Qua sơ, tổng kết các phong trào thi đua, các cấp, các ngành đã khen thưởng nhiều lượt tập thể, cá nhân người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số có những đóng góp tích cực trong thực hiện cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, phong trào giữ gìn an ninh - trật tự tại cơ sở.
Tuy nhiên, để phát huy hơn nữa vai trò của chức sắc, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thiết nghĩ, các cấp, các ngành cần tiếp tục quan tâm:
(1) Lựa chọn, phát huy người có uy tín, người tiêu biểu đúng thực chất; phải thực sự là người có uy tín trong cộng đồng, am hiểu về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thật sự là cầu nối giữa cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể các cấp với Nhân dân để tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.
(2) Thông qua các tôn giáo trong đồng bào dân tộc thiểu số kết hợp với các vị chức sắc, già làng, người có uy tín để tuyên truyền, vận động tín đồ, Nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nâng cao tinh thần cảnh giác trước mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch trong và ngoài nước. Khi giải quyết các mâu thuẫn phát sinh trong nhân dân hoặc khi cần triển khai các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội có tác động đến quyền lợi của số đông đồng bào thì cần tranh thủ vai trò của các chức sắc, trưởng họ tộc, người có uy tín để đạt kết quả tốt.
(3) Cần có sự khéo léo, chân tình trong tranh thủ chức sắc, người uy tín; chú ý bồi dưỡng kiến thức, kinh nghiệm, cung cấp thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh trật tự ở địa phương gắn với thăm hỏi, động viên, giúp đỡ để tạo mối quan hệ thân tình, gần gũi với chức sắc, người có uy tín.