Hiện nay, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ Internet và các thiết bị truy cập đa dạng đã tạo cơ hội cho thông tin mạng xã hội (Facebook, YouTube,..) và thông tin điện tử ngày càng có sức lan tỏa mạnh mẽ, chia sẽ kịp thời đến mọi người những thông tin hữu ích trong đời sống xã hội, đó là tính tất yếu trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0. Bên cạnh những tiện ích, yếu tố tích cực do mạng xã hội mang lại thì mạng xã hội cũng có không ít những tác động tiêu cực, gây ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; trong đó có việc các thế lực thù địch, phần tử cơ hội đã và đang triệt để lợi dụng internet, mạng xã hội để tạo dựng, lèo lái dư luận bằng những thông tin bịa đặt nhằm tuyên truyền, kích động, chống phá Đảng, Nhà nước ta; nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trở thành nạn nhân của những thông tin, bình luận có chủ đích xấu trên không gian mạng xã hội.
Trước những tiêu cực mà mạng xã hội gây ra cho đời sống xã hội, ngày 12/6/2018, Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Luật An ninh mạng và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019 với mục đích nhằm quản lý, giám sát các hoạt động của tổ chức, cá nhân trên không gian mạng xã hội một cách lành mạnh, mang lại lợi ích thiết thực cho đời sống xã hội và là cơ sở để phát hiện, xử lý các trường hợp sử dụng mạng xã hội để thực hiện các hành vi tổ chức, hoạt động, câu kết, xúi giục, mua chuộc lừa gạt, lôi kéo người chống phá Đảng, Nhà nước, xuyên tạc lịch sử, thông tin sai sự thật... ảnh hưởng đến anh ninh chính trị, trật tự xã hội.
Tuy nhiên, từ khi Luật An ninh mạng có hiệu lực thi hành đến nay, công tác tuyên truyền, phổ biến vẫn còn những hạn chế nhất định; việc chia sẻ thông tin tích cực về đời sống xã hội và đấu tranh phản bác, vạch trần những thủ đoạn của các phần tử cơ hội, đối tượng chống phá Đảng, chính quyền chưa nhiều; việc đăng tải thông tin xấu, nguy hại, bịa đặt trên không gian mạng còn xảy ra. Để Luật An ninh mạng sớm đi vào đời sống xã hội, cần phải có sự vào cuộc cả hệ thống chính trị một cách quyết liệt, trước hết là phát huy trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên; trong đó:
Các cơ quan chức năng cần sớm ban hành các văn bản để cụ thể hóa và hướng dẫn thực hiện Luật An ninh mạng, làm cơ sở cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân triển khai thực hiện, quản lý, giám sát và xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm.
Các cấp ủy đảng tăng cường sự lãnh đạo; chính quyền, các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, thông tin mạng xã hội nâng cao năng lực, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; xây dựng các hệ thống giám sát, cảnh báo, ngăn chặn, lọc thông tin xấu, độc để có thể làm chủ không gian mạng và quản lý thông tin trên mạng xã hội ngày một tốt hơn.
Mặt trận, các đoàn thể chính trị- xã hội tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức, hiểu rõ về Luật An ninh mạng, nhất là ý thức trong sử dụng mạng xã hội; tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ tuyên truyền viên; đồng thời vận động đoàn viên, hội viên tăng cường thông tin những nội dung, sự kiện tích cực, những điển hình tiên tiến trong đời sống xã hội và tham gia đấu tranh phản bác đối với các thông tin tiêu cực, xấu, độc, bịa đặt trên mạng xã hội.
Đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên với tinh thần, trách nhiệm phải nâng cao ý thức, bản lĩnh chính trị; nhận thức đúng và hiểu rõ vấn đề, sự việc được chuyển tải trên không gian mạng xã hội để tham gia xây dựng môi trường thông tin mạng lành mạnh, tiến bộ, bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.