Kết quả bước đầu triển khai thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

    Thể chế hóa cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”, ngày 12/12/2013, Bộ Chính trị (khóa XI) đã ban hành Quyết định số 217-QĐ/TW về “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội”, Quyết định số 218-QĐ/TW về “Quy định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”. Để triển khai thực hiện các Quyết định của Bộ Chính trị trên địa bàn tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận đã ban hành Chỉ thị số 48-CT/TU, Kế hoạch số 107-KH/TU; đồng thời nghiên cứu, cụ thể hóa bằng các Hướng dẫn số 08, số 11 và Quy định 1415; tổ chức 02 Hội nghị cán bộ chủ chốt toàn tỉnh để quán triệt, triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy biên tập và phát hành 1.400 cuốn Sổ tay "giám sát và phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền"; phối hợp mở chuyên mục “Dân với Đảng” phát trên sóng Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Thuận trong Chương trình thời sự tối Chủ nhật hàng tuần với thời lượng 05 phút và chuyên mục “Đảng với Dân - Dân với Đảng” đăng trên Báo Bình Thuận (mỗi tuần 01 số) để tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân.

    Thông qua việc tổ chức học tập, quán triệt, tập huấn; các cấp ủy, chính quyền, tổ chức Mặt trận, các đoàn thể, đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân bước đầu nắm được quan điểm, ý nghĩa, mục đích, nội dung; qua đó nhận thức được trách nhiệm trong thực hiện các Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị; xác định rõ hơn về chức năng giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng đảng, chính quyền của Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội.

    Để triển khai thực hiện Quy chế giám sát và phản biện xã hội; Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị – xã hội đã tập trung nghiên cứu, đề xuất nội dung giám sát, phản biện xã hội để báo cáo Ban Thường vụ cấp ủy chỉ đạo, định hướng; trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch, thành lập các Đoàn giám sát và thực hiện khá tốt một số cuộc giám sát. Các cấp ủy, chính quyền đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc phối hợp, cung cấp thông tin, tạo điều kiện và quan tâm bố trí kinh phí để Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội. Hiện nay, Mặt trận, các đoàn thể đã và đang tổ chức phản biện dự thảo các Văn kiện trình Đại hội lần thứ XII của Đảng và dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII.

    Thực hiện Quy định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; các cấp ủy đã tổ chức việc lấy ý kiến góp ý của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Thường vụ đoàn thể các cấp bằng văn bản (hàng năm và trước khi kết thúc nhiệm kỳ), thực hiện việc giới thiệu, lấy ý kiến nhận xét của chi ủy, đại diện ban điều hành thôn (khu phố), đại diện Mặt trận, các đoàn thể nơi cư trú đối với cán bộ, đảng viên hằng năm. Chính quyền các cấp đã tổ chức việc lấy ý kiến góp ý đối với các quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 100% trụ sở cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể các cấp đều đặt hòm thư góp ý; đồng thời, thực hiện nghiêm túc việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi việc tiếp thu các ý kiến góp ý theo Quy định số 1415-QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Việc tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng cơ quan với nhân dân, CBCC đã được nhiều địa phương, đơn vị tổ chức; qua đó nắm bắt được tình hình và giải thích, giải quyết kịp thời những tâm tư nguyện vọng, những vấn đề vướng mắc, bức xúc trong CBCC và nhân dân.

    Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Quyết định số 217, Quyết định số 218 của Bộ Chính trị tại một số địa phương, đơn vị còn bộc lộ một số khó khăn, hạn chế như: việc quán triệt, tuyên truyền, tập huấn chưa thật sự sâu, kỹ, chưa rộng rãi trong quần chúng nhân dân; công tác nghiên cứu, cụ thể hóa các văn bản còn lúng túng; việc chuẩn bị các điều kiện để tổ chức giám sát và thực hiện các công việc sau giám sát chưa thật đầy đủ, kịp thời; thực hiện phản biện còn hạn chế... Do vậy, để triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 217, Quyết định số 218 của Bộ Chính trị, thiết nghĩ các cấp ủy, chính quyền, các ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh cần tập trung vào một số giải pháp như sau:

    Một là, tiếp tục quán triệt sâu, kỹ hơn nữa trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên về ý nghĩa, mục đích, quan điểm, tính chất, nội dung thực hiện các Quyết định số 217-QĐ/TW, Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) và tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông qua các hình thức sinh hoạt nhân dân tại địa bàn dân cư.

    Hai là, các cấp ủy phải tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội xây dựng kế hoạch giám sát và phản biện xã hội; tổ chức góp ý xây dựng Đảng, Chính quyền.

    Ba là, các cấp chính quyền, các ban, ngành tích cực phối hợp, tạo điều kiện để Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện tốt việc giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng đảng, xây dựng chính quyền; thực hiện tốt việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi các ý kiến góp ý theo quy định; xử lý kịp thời các kiến nghị, đề xuất của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội; quan tâm đảm bảo về kinh phí để Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện việc giám sát, phản biện xã hội.

    - Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội cần tích cực, chủ động trong việc nghiên cứu, đề xuất cấp ủy định hướng nội dung và triển khai thực hiện giám sát, phản biện xã hội; củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; tăng cường tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng giám sát, phản biện xã hội; phát huy tốt đội ngũ của các tổ chức thành viên Mặt trận để tham gia phản biện xã hội; vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên, nhân dân tích cực tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

    Hy vọng với sự quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền và sự tích cực, chủ động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp thì việc triển thực hiện Quyết định số 217, Quyết định số 218 của Bộ Chính trị trên địa bàn tỉnh Bình Thuận trong thời gian đến sẽ đạt được những kết quả toàn diện hơn; phát huy tốt quyền làm chủ của nhân dân; góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, hiệu lực và hiệu quả quản lý, điều hành của Nhà nước.


Dân Vận Khéo