Ý nghĩa của ngày Đại lễ Phật Đản liên hiệp quốc (Vesak)

      Lễ Phật đản là ngày lễ trọng đại được Phật giáo tổ chức hàng năm nhằm tôn vinh những giá trị đạo đức, văn hóa, tư tưởng hòa bình, đoàn kết hữu nghị của Đức Phật và theo đề nghị của 34 quốc gia theo Phật giáo trên thế giới, ngày 15/12/1999 Đại hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc tại phiên hợp thứ 54, mục 174 của chương trình nghị sự đã chính thức công nhận Đại lễ Phật đản là một lễ hội văn hóa tôn giáo quốc tế của Liên Hiệp quốc (Vesak), là ngày Đại lễ kỷ niệm Đức Bổn sư Thích ca đản sinh thành đạo và nhập Niết bàn (hay còn gọi là Đại lễ Tam hợp). Từ năm 2000 trở đi, những hoạt động kỷ niệm lễ Phật đản Liên Hiệp quốc (Vesak) sẽ được diễn ra hàng năm tại trụ sở và các trung tâm của Liên Hợp quốc trên thế giới và được tổ chức vào ngày trăng tròn của tháng 5 dương lịch.

      Nhiều nước ở Châu Á như: Thái Lan, SriLanka, Malaysia, Singapore, Indonesia, Hồng Kông, Myanmar, Đài Loan, Campuchia... thì Đại lễ Phật đản là ngày nghỉ lễ quốc gia; vào ngày lễ, Phật tử thường vinh danh Tam bảo qua các hình thức như dâng cúng, tặng hoa, nghe thuyết giảng, thực hành ăn chay, giữ ngũ giới, bố thí, làm việc từ thiện, tặng quà, tiền cho những người khó khăn trong cộng đồng; cũng có nghĩa là làm những nỗ lực đặc biệt để mang lại hạnh phúc, niềm vui cho những người bất hạnh, chia sẻ niềm vui và hòa bình với mọi người. Đặc biệt ở SriLanka, Chính phủ quy định hai đêm trăng tròn tháng Vesak để dành cho việc cử hành Đại lễ Phật đản với nhiều chương trình mang đậm nét Phật giáo và mang tính lễ hội dân gian; trong hai ngày này, tất cả các cửa hàng bán rượu, bia và lò giết mổ động vật phải đóng cửa, chim, côn trùng và thú vật được phóng sanh như là một "hành động mang tính biểu tượng của sự giải thoát".

      Tại Việt Nam, Phật giáo du nhập vào rất sớm (cách đây gần 2000 năm); suốt thời gian đó, Phật giáo luôn thể hiện là một tôn giáo gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, xứng đáng với vai trò “Hộ quốc - An dân”. Từ thời Lý, Trần đã có rất nhiều vị thiền sư, đại sư vừa là nhà sư, là danh y cứu độ chúng sinh, vừa là nhà chính trị, nhà ngoại giao phò vua giúp nước; nhiều vị vua, quan thời ấy là những phật tử, am hiểu sâu sắc Phật pháp, biết chuyển hóa tư tưởng, triết lý sống của Phật giáo để xây dựng Đạo - Đời tốt đẹp. Trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc và đến khi thống nhất đất nước 1975, Phật giáo Việt Nam vẫn giữ được vai trò gắn bó, đồng hành cùng với dân tộc. Năm 1981, Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập trên cơ sở hợp nhất 9 tổ chức, hệ phái Phật giáo trong cả nước với đường hướng hành đạo là: “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”. Sự ra đời của Giáo hội Phật giáo Việt Nam có ý nghĩa quan trọng đối với sự ổn định tư tưởng và thống nhất tổ chức Phật giáo Việt Nam, tạo cơ sở đoàn kết tôn giáo, đoàn kết dân tộc để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Hiện nay, Phật giáo Việt Nam có 17 ngàn cơ sở thờ tự, 47 ngàn vị tăng, ni và khoảng 12 triệu tín đồ quy y tam bảo đang sinh hoạt đạo ổn định trong cả nước. Giáo hội Phật giáo Việt Nam lấy ngày Rằm tháng 4 âm lịch là ngày lễ chính thức của Đại lễ Phật đản; hàng năm được Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức Đại lễ Phật đản theo đúng hiến chương, điều lệ của Giáo hội và quy định của pháp luật, đảm bảo được nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của phật tử với không khí trang trọng, tinh thần đoàn kết, an toàn và tiết kiệm.

      Chính sự ổn định, đoàn kết, thống nhất của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong những năm qua và sự quan tâm, giúp đỡ, tạo mọi điều kiện của Nhà nước Việt Nam, từ năm 2000 đến nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã hai lần đăng cai tổ chức Đại lễ Phật đản Liên Hiệp quốc (Vesak). Năm 2008, lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam với chủ đề chính là “Tam Hợp trên cơ sở tình thương, hòa bình và hòa hợp”, theo đó là 8 diễn đàn hội thảo khoa học quốc tế của Phật giáo với các chủ đề như: Sự cống hiến của Phật giáo trong việc xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh; sự thay đổi khí hậu toàn cầu; những mâu thuẫn trong gia đình; chiến tranh và hàn gắn; những thay đổi của xã hội; giáo dục của Phật giáo; Phật giáo nhập thế; Phật giáo trong giai đoạn kỹ thuật số và đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc với bạn bè quốc tế về sự đoàn kết, gắn bó, biết chia sẽ của con người Việt Nam nói chung, phật tử Phật giáo nói riêng. Năm nay (2014), Đại lễ Phật Đản Liên Hiệp quốc (Vesak) lần thứ 11 Giáo hội Phật giáo Việt Nam tiếp tục đăng cai tổ chức từ ngày 07 đến ngày 11/5/2014 tại chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình với chủ đề chính là “Phật giáo góp phần thực hiện thành tựu các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc” và sẽ có 05 diễn đàn hội thảo khoa học gồm: Hồi ứng của Phật giáo về phát triển bền vững và thay đổi xã hội; hồi ứng của Phật giáo đối với hâm nóng toàn cầu và bảo vệ môi trường; đóng góp của Phật giáo về lối sống lành mạnh; xây dựng hòa bình và sự bình phục hậu - mâu thuẫn; Giáo dục Phật giáo và chương trình cấp đại học.

      Có thể thấy rằng, Đại lễ Phật đản Liên Hiệp quốc (Vesak) không những là ngày lễ trọng đại của Phật giáo, mà đã trở thành ngày lễ hội văn hóa tôn giáo của toàn cầu, mang nhiều ý nghĩa quan trọng trong quá trình hội nhập, toàn cầu hóa; là cầu nối hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam với các nước trên thế giới; đặc biệt quan trọng hơn là khẳng định được vị thế, trách nhiệm của Việt Nam đối với Liên Hiệp quốc, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước ta về tự do tín ngưỡng, tôn giáo, góp phần tăng cường vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời kỳ mới.


Dân Vận Khéo