QUY ĐỊNH
chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy và mối quan hệ công tác của Ban Dân vận Tỉnh ủy
(Quy định số 1622-QĐ/TU, ngày 05/4/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy)
-----
- Căn cứ Quy chế số 11-QC/TU, ngày 18/8/2022 của Tỉnh ủy về Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV), nhiệm kỳ 2020 - 2025 (sửa đổi, bổ sung);
- Căn cứ Quy định số 137-QĐ/TW, ngày 01/12/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương;
Ban Thường vụ Tỉnh ủy quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy và mối quan hệ công tác của Ban Dân vận Tỉnh ủy như sau:
CHƯƠNG I
CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN
Điều 1. Chức năng
a) Là cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy mà trực tiếp, thường xuyên là Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy về công tác dân vận.
b) Là cơ quan chuyên môn, nghiệp vụ về công tác dân vận của Tỉnh ủy (bao gồm cả công tác dân tộc, tôn giáo); là cơ quan thường trực của các Ban chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tỉnh, Ban chỉ đạo công tác tôn giáo tỉnh và các Ban chỉ đạo khác về lĩnh vực công tác dân vận của tỉnh.
Điều 2. Nhiệm vụ
1. Nghiên cứu, đề xuất và thực hiện
a) Chủ trì phối hợp tham mưu, đề xuất xây dựng các nghị quyết, quyết định, chỉ thị, kết luận, quy chế, quy định, chương trình công tác dân vận và chủ trương, giải pháp về công tác dân vận của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
b) Chủ trì, phối hợp nghiên cứu, đề xuất Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cụ thể hoá các chủ trương, nghị quyết, quyết định, chỉ thị, kết luận, quy chế, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân và triển khai tổ chức thực hiện.
c) Tham mưu, giúp cấp ủy nắm tình hình và chỉ đạo hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng ở tỉnh do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ; hoạt động công tác dân vận của các cơ quan nhà nước ở tỉnh.
d) Phối hợp với các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội theo dõi, tổng hợp tình hình nhân dân (bao gồm cả tình hình dân tộc, tôn giáo, các giai tầng xã hội, các vấn đề bức xúc trong Nhân dân), báo cáo và tham mưu kịp thời cho Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy để lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận và xử lý những vấn đề phát sinh.
đ) Tham gia ý kiến với các cơ quan chính quyền trong việc thể chế hóa nghị quyết, quyết định, chỉ thị, kết luận, quy chế, quy định của Đảng về công tác dân vận, tôn giáo, dân tộc và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân.
e) Thực hiện việc báo cáo định kỳ và đột xuất với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Dân vận Trung ương theo quy định.
g) Sơ kết, tổng kết về công tác dân vận.
2. Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát
a) Việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết, quyết định, chỉ thị, kết luận, quy chế, quy định của Đảng, của Tỉnh ủy và Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác dân vận.
b) Hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về công tác dân vận cho cấp ủy và cán bộ làm công tác dân vận của Đảng trong tỉnh.
3. Thẩm định, thẩm tra
a) Các đề án, văn bản về công tác dân vận trước khi trình Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy.
b) Tham gia ý kiến đối với các đề án, dự án thuộc lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng - an ninh... có liên quan đến công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo; các đề án, dự án có liên quan đến quyền làm chủ của Nhân dân và công tác dân vận của các cơ quan nhà nước.
4. Phối hợp
a) Với Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy tham mưu, giúp Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát hàng năm về công tác dân vận.
b) Với Ban Tổ chức Tỉnh ủy trong công tác cán bộ theo quy định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phân cấp quản lý cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử; trong việc quản lý tổ chức bộ máy, biên chế và việc thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, người lao động của Ban Dân vận Tỉnh ủy.
c) Với các ban, ngành liên quan trong các hoạt động chung về công tác dân vận; công tác nghiên cứu, kiểm tra, đào tạo, bồi dưỡng, thông tin... về công tác dân vận ở địa phương.
d) Với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan liên quan và các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ trong công tác vận động nhân sĩ, trí thức, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số và chức sắc trong tôn giáo; trong việc tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
đ) Với Văn phòng Tỉnh ủy giúp Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế làm việc của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
e) Với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh trong thực hiện công tác dân vận chính quyền.
g) Với cơ quan quân sự, công an tỉnh, bộ đội biên phòng tỉnh, cảnh sát biển và các cơ quan tư pháp tỉnh trong thực hiện công tác dân vận của lực lượng vũ trang và cơ quan tư pháp.
5. Thực hiện một số nhiệm vụ khác do Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy giao.
Điều 3. Trách nhiệm, quyền hạn
1. Chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy, Ban thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy trong tham mưu, đề xuất với cấp ủy và thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ban Dân vận Tỉnh ủy.
2. Được yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Tỉnh ủy báo cáo cung cấp hồ sơ, tài liệu, thông tin, kết quả thực hiện nhiệm vụ phục vụ cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ban Dân vận Tỉnh ủy.
3. Lãnh đạo Ban được dự các hội nghị của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy bàn về công tác dân vận, công tác dân tộc, công tác tôn giáo hoặc các lĩnh vực công tác khác có liên quan.
4. Trưởng phòng, chuyên viên cao cấp và chuyên viên chính của Ban được dự hội nghị mở rộng của Tỉnh ủy để nghe truyền đạt các nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy về công tác xây dựng Đảng, công tác vận động quần chúng; công chức của Ban được dự hội nghị của các cấp ủy, tổ chức đảng, các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng cấp tỉnh bàn về những công việc liên quan đến lĩnh vực công tác được phân công theo dõi.
5. Thực hiện nhiệm vụ, trách nhiệm, thẩm quyền của chủ thể kiểm tra, giám sát theo quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng.
6. Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất với Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Dân vận Trung ương.
CHƯƠNG II
TỔ CHỨC BỘ MÁY, BIÊN CHẾ, CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC
Điều 4. Lãnh đạo Ban
Gồm Trưởng ban là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy và có từ 02 đến 03 phó trưởng ban. Tùy tình hình cụ thể về yêu cầu nhiệm vụ và công tác cán bộ của từng giai đoạn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, bố trí số lượng cấp phó trưởng ban phù hợp, đảm bảo nguyên tắc tổng số cấp phó các cơ quan tham mưu, giúp việc của Tỉnh ủy không vượt quá 18 người.
Điều 5. Các phòng chuyên môn nghiệp vụ trực thuộc
1. Phòng Đoàn thể và các hội;
2. Phòng Dân vận các cơ quan nhà nước;
3. Phòng Dân tộc và Tôn giáo.
Chức năng, nhiệm vụ, biên chế của từng phòng chuyên môn do Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy quy định. Phòng có dưới 10 người được bố trí trưởng phòng và không quá 2 phó trưởng phòng; có từ 10 người trở lên được bố trí không quá 3 phó trưởng phòng.
Điều 6. Biên chế
- Biên chế của Ban Dân vận Tỉnh ủy do Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định trên cơ sở tổng số biên chế của khối cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; bảo đảm thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Ban Dân vận Tỉnh ủy.
- Bám sát yêu cầu, cơ cấu cán bộ, công chức, tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm của Ban Dân vận Tỉnh ủy, tăng cường phân công kiêm nhiệm một số chức danh; thực hiện nghiêm chủ trương tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động theo các quy định và hướng dẫn của Trung ương.
Điều 7. Chế độ làm việc
1. Ban Dân vận Tỉnh ủy làm việc theo chế độ thủ trưởng; Trưởng ban phụ trách chung và chịu trách nhiệm toàn bộ công việc của Ban trước Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy và Ban Dân vận Trung ương Đảng.
2. Các phó trưởng ban giúp Trưởng ban chỉ đạo, quản lý, điều hành những mặt công tác của Ban và chịu trách nhiệm trước Trưởng ban, đồng thời chịu trách nhiệm liên đới với Trưởng ban trước cấp trên về các mặt công tác được phân công. Khi Trưởng ban đi vắng, một phó trưởng ban được Trưởng ban ủy quyền điều hành công việc của Ban.
CHƯƠNG III
MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC
Điều 8. Quan hệ với Tỉnh ủy, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy và Ban Dân vận Trung ương
1. Chịu sự lãnh đạo và chỉ đạo của Tỉnh ủy, trực tiếp và thường xuyên là Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy; thực hiện chế độ báo cáo, xin ý kiến, tham mưu, đề xuất với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy các vấn đề thuộc lĩnh vực công tác dân vận; về chương trình công tác của Ban Dân vận Tỉnh ủy.
2. Chịu sự hướng dẫn, kiểm tra, giám sát về chuyên môn, nghiệp vụ và thực hiện chế độ thống kê, báo cáo đối với Ban Dân vận Trung ương Đảng theo quy định.
Điều 9. Quan hệ với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh
1. Trong phạm vi lĩnh vực công tác dân vận, Ban Dân vận Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội nghiên cứu, triển khai thực hiện các nghị quyết, quyết định, chỉ thị, kết luận, quy chế, quy định của Trung ương, của Tỉnh ủy và Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
2. Phối hợp hướng dẫn, kiểm tra việc triển khai thực hiện các nghị quyết, quyết định, chỉ thị, kết luận, quy chế, quy định về công tác dân vận theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Điều 10. Đối với Thường trực Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh
Quan hệ giữa Ban Dân vận Tỉnh ủy với Thường trực Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh là quan hệ phối hợp.
1. Khi triển khai thực hiện nhiệm vụ tham mưu về công tác dân vận, công tác dân tộc, tôn giáo có liên quan đến công tác quản lý nhà nước; Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh tạo điều kiện, hỗ trợ để cùng hoàn thành nhiệm vụ được giao.
2. Tại kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh và Ủy ban nhân dân tỉnh bàn về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực chuyên môn của Ban Dân vận Tỉnh ủy, thì đại diện lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy được mời dự, tham gia ý kiến. Những nội dung cần thiết, lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy làm việc trực tiếp với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh và Ủy ban nhân dân tỉnh để phối hợp thực hiện nhiệm vụ của mỗi bên.
Điều 11. Đối với các cơ quan tham mưu, giúp việc của Tỉnh ủy
Phối hợp tham mưu và tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, chỉ thị, nghị quyết... của Trung ương, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác dân vận, công tác xây dựng Đảng.
Điều 12. Đối với các sở, ban, ngành cấp tỉnh
1. Phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác dân vận.
2. Phối hợp nắm tình hình, nghiên cứu, đề xuất Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh để giải quyết những vướng mắc trong việc thực hiện các mặt công tác của chính quyền có liên quan đến công tác dân vận, công tác dân tộc, tôn giáo.
Điều 13. Đối với cấp ủy và ban dân vận của cấp ủy trực thuộc Tỉnh ủy
1. Phối hợp với các huyện, thị, thành ủy và đảng ủy trực thuộc về trao đổi, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác dân vận, tổ chức và cán bộ theo phân cấp.
2. Hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ công tác dân vận; phối hợp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức ban dân vận của các cấp ủy trực thuộc Tỉnh ủy.
CHƯƠNG IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 14. Căn cứ Quy định này, Ban Dân vận Tỉnh ủy xây dựng quy chế làm việc của Ban; quy định chức năng, nhiệm vụ, lề lối làm việc của các phòng chuyên môn trực thuộc để bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Điều 15. Quy định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế các Quy định số 02-QĐi/TU, ngày 26/9/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chức năng, nhiệm vụ quyền hạn, tổ chức bộ máy và mối quan hệ công tác của Ban Dân vận Tỉnh ủy, Quyết định số 1211- QĐ/TU, ngày 21/9/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phê duyệt Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy của Ban Dân vận Tỉnh ủy theo Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII).
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, Ban Dân vận Tỉnh ủy kịp thời báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, quyết định./.
-*-