Để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 43-NQ/TW, ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc; Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận đã đề ra mục tiêu là: Tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường đồng thuận xã hội, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, niềm tin, khát vọng cống hiến và xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc; trong đó, tập trung phát triển mạnh 03 trụ cột kinh tế gắn với ứng dụng công nghệ cao, xây dựng chuỗi giá trị (công nghiệp, du lịch, nông nghiệp); không ngừng nâng cao đời sống Nhân dân, phấn đấu đưa tỉnh Bình Thuận phát triển nhanh, bền vững, mạnh về kinh tế biển, năng lượng và du lịch, góp phần cùng với cả nước thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Với mong muốn và quyết tâm cao, đòi hỏi năng lực lãnh đạo của cấp ủy, sự điều hành của chính quyền các cấp và sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ phải đồng bộ, thống nhất; trong đó cần tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Một là, phải tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng và hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và Nhân dân về củng cố, tăng cường và phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; chú ý phát huy tốt vai trò của nhân sĩ, trí thức, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, chức sắc, chức việc trong các tôn giáo góp phần tuyên truyền, vận động, tạo đồng thuận xã hội, nâng cao cảnh giác, kịp thời ngăn chặn âm mưu, thủ đoạn, hành động chia rẽ Đảng, Nhà nước với Nhân dân, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tích cực tham gia thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại của địa phương, đất nước; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Hai là, phải xây dựng, cụ thể hóa, triển khai thực hiện hiệu quả chủ trương về phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; giữ vững vai trò hạt nhân lãnh đạo của Đảng trong xây dựng và phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc bằng những chủ trương, chính sách cụ thể, phù hợp gắn việc xây dựng đạo đức trong Đảng với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để làm cơ sở vững chắc xây dựng đoàn kết trong hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng thời, nâng cao tính chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở.
Ba là, phát huy vai trò của chính quyền trong việc thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc bằng các kế hoạch, dự án, đề án phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo đời sống Nhân dân; chăm lo phát triển các giai tầng trong xã hội, đồng thời đẩy mạnh việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của người dân, thực hiện tốt công tác đối thoại và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Chú trọng đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong mọi lĩnh vực hoạt động của chính quyền. Cán bộ, công chức, viên chức các cấp trong hệ thống chính quyền thực hiện nghiêm tác phong, lề lối làm việc theo phương châm “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”.
Bốn là, vận dụng, phát huy cơ chế, chính sách để phát huy mọi tiềm năng, nguồn lực và sức sáng tạo của Nhân dân. Tổ chức tốt việc thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” trong tất cả các loại hình tổ chức và đơn vị cơ sở. Đồng thời, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đảm bảo sát hợp thực tiễn, nội dung thiết thực, hiệu quả.
Năm là, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội theo hướng sát cơ sở nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo trong tham mưu, đề xuất cấp ủy, phối hợp với chính quyền để tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước và các phong trào hành động cách mạng do Trung ương và địa phương phát động; đẩy mạnh công tác vận động quần chúng, đưa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của tỉnh đến đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân và thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của các đoàn viên, hội viên.
Sáu là, đổi mới việc tổ chức các cuộc vận động, phong trào thi đua theo hướng thiết thực, hiệu quả, hướng mạnh về cơ sở để đông đảo người dân tham gia; trong đó, chú ý đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội gắn với các phong trào thi đua yêu nước và việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với nội dung, tính chất, cách làm mới góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân.
Trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, xã hội sẽ có những thay đổi để phù hợp với thực tế, đời sống và sinh hoạt của người dân sẽ ảnh hưởng rất lớn; trong đó có nhiều vấn đề nhạy cảm, phức tạp nảy sinh từ thực tế, kể cả nhiều luồng tư tưởng mới sẽ làm ảnh hưởng đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Do đó, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải xác định, tập trung làm tốt, hiệu quả Nghị quyết số 43-NQ/TW, ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII), góp phần thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn mình”.