Bình Thuận là tỉnh duyên hải cực Nam Trung Bộ, hiện có 35 dân tộc, trong đó có 34 đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), với 104.066 khẩu/25.665 hộ, chiếm 8,3% dân số của tỉnh. Đồng bào các DTTS ở Bình Thuận cư trú rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh với hình thức cư trú phổ biến là sống xen kẽ tại 43 thôn xen ghép và 17 xã thuần thuộc các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, Tánh Linh... Theo Quyết định số 861/QĐ-TTg, ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, trong đó Bình Thuận còn 10 thôn đặc biệt khó khăn, 03 xã khu vực III, 03 xã khu vực II và 25 xã, thị trấn khu vực I thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi. Nhìn chung tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Bình Thuận ngày càng được quan tâm đầu tư, phát triển.
Vùng đồng bào DTTS và miền núi được tỉnh xác định là khu vực trọng yếu, giữ vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Chính vì vậy, công tác dân vận ở vùng đồng bào DTTS trở thành nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội. Những năm qua, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã nghiêm túc thực hiện chủ trương của Đảng về công tác dân vận, công tác dân tộc, nhất là công tác dân vận ở vùng đồng bào DTTS. Qua đó đã tạo chuyển biến tích cực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố niềm tin của đồng bào đối với Đảng và Nhà nước.
Thực hiện Chỉ thị 49-CT/TW ngày 20/10/2015 của Ban Bí thư về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào DTTS”; Kết luận số 65-KL/TW, ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác dân tộc trong tình hình mới”; Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận đã quán triệt và ban hành nhiều văn bản triển khai thực hiện chỉ thị, nghị quyết nêu trên gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị; chỉ đạo tăng cường công tác phối hợp giữa các địa phương, đơn vị trong việc thực hiện nhiệm vụ công tác dân tộc, công tác dân vận trong vùng đồng bào DTTS; trong đó tiếp tục chỉ đạo tăng cường thực hiện chủ trương kết nghĩa giữa các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện với các xã thuần, thôn xen ghép vùng đồng bào DTTS. Đến nay toàn tỉnh có 17 cơ quan, đơn vị cấp tỉnh thực hiện kết nghĩa với 17 xã thuần và 86 cơ quan, đơn vị cấp huyện thực hiện kết nghĩa với 43 thôn xen ghép đồng bào DTTS. Từ chủ trương đúng đắn trên và sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, công tác dân vận trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã đạt được những kết quả tích cực như: tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của công tác dân tộc, công tác dân vận trong vùng đồng bào DTTS; việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến đông đảo quần chúng Nhân dân được thuận lợi và hiệu quả hơn; Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang trong tỉnh đã quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ các xã thuần, thôn xen ghép trong việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và phát triển đảng viên, đoàn viên, hội viên người DTTS; hỗ trợ, giúp đỡ các xã xây dựng chương trình, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện các mô hình phát triển kinh tế - xã hội gắn với xây dựng mô hình “Dân vận khéo”, từ đó xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hay trong công tác dân vận ở vùng đồng bào DTTS như mô hình “Lực lượng vũ trang tỉnh tăng cường đoàn kết với dân tộc, tôn giáo” của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh được triển khai thực hiện từ năm 2018 đến nay đã tạo sự đoàn kết, gắn bó thân thiện, hiểu biết giữa lực lượng vũ trang tỉnh với đồng bào các DTTS, tôn giáo; hay mô hình “Tổ quần chúng tuần tra đảm bảo an ninh trật tự”, “Chức sắc Chăm, nhân sĩ trí thức tham gia giữ gìn an ninh trật tự”, “Camera và ánh sáng an ninh phòng, chống tội phạm” của Công an tỉnh được triển khai, nhân rộng trên địa bàn xã Phan Thanh đã phát huy vai trò trách nhiệm của chức sắc và Nhân dân trong xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, Nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ tại địa phương; mô hình “Đảng viên đồn Biên phòng phụ trách hộ gia đình”, “Thôn, bản không có người vi phạm pháp luật”, “Nâng bước em tới trường - con nuôi Biên phòng” của Bộ Đội Biên phòng… góp phần tăng cường, đổi mới công tác dân vận của hệ thống chính trị và phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào DTTS.
Ngoài ra, những năm qua việc thực hiện công tác dân vận ở vùng đồng bào DTTS, nhất là công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước được các cấp chính quyền thường xuyên quan tâm triển khai thực hiện gắn với các Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, xây dựng nông thôn mới, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở khu dân cư… Phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong tham gia các phong trào thi đua yêu nước, tích cực xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội địa phương và ngăn chặn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào các dân tộc; đồng thời, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền địa phương nơi có đông đồng bào DTTS cử cán bộ bám sát địa bàn, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, đời sống của đồng bào DTTS để tham mưu giải quyết kịp thời những bức xúc, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của đồng bào các dân tộc. Đặc biệt, trong thời gian xảy ra đại dịch Covid-19, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đã kêu gọi, vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ tiền, thuốc, thiết bị y tế, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm ở vùng đồng bào DTTS như: Chuyến xe tình nghĩa, bếp ăn tình nguyện, bếp ăn 0 đồng, chợ 0 đồng… Qua công tác tuyên truyền, vận động, ý thức tự lực, tự chủ của đồng bào DTTS có chuyển biến tích cực.
Có thể nhìn nhận rằng công tác dân vận đã góp phần làm thay đổi diện mạo đời sống, kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS của tỉnh Bình Thuận. Hệ thống kết cấu hạ tầng vùng đồng bào DTTS được nâng cấp, đến nay, 100% xã vùng đồng bào DTTS đã có đường ô tô được nhựa hóa thông suốt đến trung tâm xã; 100% xã được phủ sóng truyền hình, phát thanh; 100% xã thuần đồng bào DTTS có nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng; 98% hộ sử dụng điện lưới quốc gia; 88,3% hộ được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh; đồng bào DTTS thuộc vùng khó khăn, diện hộ nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế đạt 100%; tỷ lệ học sinh bỏ học giảm; tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường tăng; xây dựng 5.543 căn nhà cho hộ đồng bào DTTS thuộc hộ nghèo; hỗ trợ lãi suất cho 3.160 hộ vay mua 4.680 con bò với giá trị vốn vay hơn 22 tỷ đồng; thực hiện đầu tư ứng trước giống, vật tư, các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống và trợ cước vận chuyển với tổng giá trị trên 18,7 tỷ đồng/năm; 6/17 xã thuần đồng bào DTTS đạt chuẩn nông thôn mới.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác dân vận trong vùng đồng bào DTTS góp phần phát triển kinh tế - xã hội, cần thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, cấp ủy các cấp tiếp tục tăng cường tuyên truyền, quán triệt sâu, kỹ các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận, công tác dân tộc đến cán bộ, đảng viên, quần chúng Nhân dân, nhất là trong vùng đồng bào DTTS. Trên cơ sở đó đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện công tác dân vận của hệ thống chính trị thông qua thực hiện chủ trương công tác kết nghĩa, thực hiện các mô hình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh.
Thứ hai, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội thường xuyên sâu sát cơ sở, nắm bắt tình hình đời sống, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân vùng đồng bào; nâng cao chất lượng hoạt động giám sát và phản biện xã hội đối với việc xây dựng và thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc; tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên ở vùng đồng bào DTTS chấp hành tốt phát luật của Nhà nước; phối hợp vận động nguồn lực, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia, đầu tư phát triển các loại hình cung cấp dịch vụ xã hội và tích cực tham gia thực hiện chính sách xã hội ở vùng đồng bào DTTS.
Thứ ba, Chính quyền các cấp chỉ đạo tăng cường công tác dân vận của các cơ quan nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao đạo đức công vụ, phát huy vai trò tham gia của Nhân dân trong xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên cơ sở đảm bảo hài hoà giữa lợi ích giữa Nhà nước và Nhân dân, giữa các vùng, miền, quan tâm đến các đối tượng yếu thế trong xã hội.
Thứ tư, các cấp, các ngành bảo đảm nguồn lực thực hiện chính sách an sinh xã hội phù hợp, tránh dàn trải. Các chính sách cần bảo đảm tính liên kết, liên thông tốt, như chính sách tín dụng gắn với tạo việc làm, dạy nghề gắn với nhu cầu việc làm… Tăng cường thực hiện cơ chế xã hội hóa và sự đóng góp nguồn lực của các tổ chức, doanh nghiệp, tập trung ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, qua đó huy động cao nhất các nguồn lực cho giảm nghèo, an sinh xã hội tại vùng đồng bào DTTS