Bình Thuận là tỉnh cực Nam Trung bộ, tiếp giáp với các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; diện tích tự nhiên gần 8.000 km2; có 10 huyện, thị, thành phố với 127 xã, phường, thị trấn; dân số 1.271.136 người; có 34 dân tộc thiểu số với 21.271 hộ/95.914 người, chiếm 7,54% dân số toàn tỉnh; đồng bào dân tộc thiểu số sống tập trung ở 17 xã thuần và 32 thôn xen ghép trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, thời gian qua, bên cạnh các chủ trương, chính sách đặc thù của Trung ương; Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn quan tâm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và đề ra những chủ trương, chính sách đặc thù phù hợp với điều kiện của vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh; đặc biệt là các Nghị quyết số 04-NQ/TU, số 05-NQ/TU, ngày 27/5/2002 của Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển toàn diện dân sinh, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và về xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số, cán bộ huyện Phú Quý, Nghị quyết số 17/2011/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2012 - 2015 và định hướng đến năm 2020 và Quyết định số 966/QĐ-UBND, ngày 21/3/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Đề án thực hiện Quyết định số 755/QĐ-TTg, ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2014 - 2015. Để nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã chỉ đạo Mặt trận, các đoàn thể, các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện việc giao lưu, kết nghĩa với các xã thuần và thôn xen ghép đồng bào dân tộc thiểu số; từ đó tăng cường, hỗ trợ trong công tác chuyên môn, các hoạt động xã hội, tăng cường tình đoàn kết gắn bó giữa đảng viên, CBCC và nhân dân. Và mới đây, ngày 05/02/2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 04-KH/TU; đồng thời tổ chức quán triệt, chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 49-CT/TW, ngày 20/10/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Trong quá trình thực hiện, các cấp, các ngành đã nhận thức rõ việc chăm lo phát triển cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số là trách nhiệm của hệ thống chính trị và toàn thể xã hội, trong đó phải hết sức chú ý và làm thật tốt công tác dân vận; việc đầu tư, hỗ trợ của nhà nước, sự giúp đỡ của các tổ chức, các tầng lớp nhân dân là quan trọng; song quan trọng hơn là phải tuyên truyền, vận động làm cho đồng bào chủ động, tự giác, nỗ lực vươn lên để cải thiện cuộc sống, thoát nghèo bền vững, không trông chờ, ỷ lại.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, đã tạo ra diện mạo mới của vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh. Hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư căn bản cả về điện, đường giao thông, chợ, trạm y tế, trường học,... Giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục - thể thao được đẩy mạnh; đến nay 100% xã thuần đồng bào dân tộc đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và xóa mù chữ, đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS; đồng bào dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo và ở 27 xã khó khăn của tỉnh được cấp thẻ BHYT; thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở được quan tâm đầu tư. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong vùng cơ bản được giữ vững; đại bộ phận đồng bào tin tưởng và chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào cải thiện tốt hơn, trong 5 năm 2010 - 2015 với nhiều nguồn kinh phí đã hỗ trợ xây dựng mới trên 5.000 căn nhà, cơ bản xóa nhà ở tạm bợ, nhà dột nát trong đồng bào các dân tộc thiểu số; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 25,07% năm 2010 xuống còn 9,55% năm 2015.
Có được kết quả trên là nhờ đảng bộ, chính quyền tỉnh Bình Thuận luôn luôn xác định vấn đề dân tộc, công tác dân tộc và đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược cơ bản, lâu dài và là vấn đề cấp bách trong xây dựng mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân. Quan điểm, mục tiêu xuyên suốt trong lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền địa phương là chăm lo cho nhân dân, trong đó có đồng bào các dân tộc thiểu số. Sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương thời gian qua đã tạo dựng được lòng tin rất lớn của đồng bào đối với Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền địa phương và là nhân tố góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra./.