Nhằm triển khai thực hiện chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2010-2020; Tỉnh ủy Bình Thuận đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 16/03/2011 về đẩy mạnh phát triển giao thông nông thôn, giai đoạn 2011 - 2015 để lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh; trong đó, công tác tuyên truyền, quán triệt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới được quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện một cách căn bản; ngoài các quy định chung, tỉnh còn đề ra được một số cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp với điều kiện, địa hình của từng địa phương như phát triển giao thông nông thôn, phát triển làm thủy lợi nhỏ, kiên cố hóa kênh mương nội đồng... qua đó, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về xây dựng nông thôn mới được nâng lên, xác định ngày càng đúng đắn hơn vai trò, trách nhiệm của mình, khắc phục sự trông chờ vào nhà nước, đã góp phần thúc đẩy phong trào chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới trong nhân dân phát triển mạnh mẽ với nhiều mô hình tốt, cách làm hay, hiệu quả được triển khai, nhân rộng trong thực tế.
Trong 05 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới ở Bình Thuận, toàn tỉnh đã huy động được một nguồn lực lớn trên 5.900 tỷ đồng để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, thực hiện Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới; trong đó, nguồn vốn ngân sách 3.660 tỷ đồng (chiếm 61,98%), nhân dân đóng góp 588 tỷ đồng (chiếm 9,97%), huy động từ tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã 246 tỷ đồng (chiếm 4,18%), vốn tín dụng là 1.010 tỷ đồng (chiếm 17,11%) và huy động từ các nguồn khác trên 399 tỷ đồng (chiếm 6,76%). Đã nâng cấp trên 1.460 km đường giao thông nông thôn; kiên cố hóa 134 km kênh mương nội đồng; đầu tư xây dựng mới trên 100 km đường dây trung thế, các trạm biếp áp với tổng dung lượng 11.870 KVA; xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp 689 công trình trường mầm non, 852 công trình trường tiểu học và 657 công trình trường trung học cơ sở; xây dựng mới 26 nhà văn hóa xã; 34 chợ nông thôn. Bên cạnh đó, các tiêu chí khác như công tác xây dựng Đảng, hoàn thiện hệ thống chính trị cơ sở tiếp tục được củng cố, đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động, trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức tiếp tục được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đảm bảo các tiêu chuẩn theo chức danh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong thực tiễn; chất lượng giáo dục được giữ vững, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS đạt chuẩn theo yêu cầu (năm 2015 đạt 99,06%, tăng 0,55% so với năm 2011); công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được bảo đảm, mạng lưới y tế, cơ sở, trang thiết bị được ưu tiên đầu tư, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân; các chính sách an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa, giảm nghèo được quan tâm thực hiện tốt; quốc phòng được tăng cường, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội căn bản được giữ vững; tai nạn giao thông tiếp tục được kiềm chế; đặc biệt là công tác phòng ngừa đấu tranh tội phạm được triển khai thực hiện từ cơ sở giúp phát hiện sớm và chủ động giải quyết dứt điểm các vụ việc xảy ra, tỷ lệ xã đạt tiêu chí về an ninh trật tự - xã hội là 73,9%. Đến nay, số tiêu chí xây dựng nông thôn mới đạt bình quân 14,9 tiêu chí/xã; đạt 19 tiêu chí có 26 xã (27,08%), đạt từ 15-18 tiêu chí có 22 xã (22,9%), đạt từ 10-14 tiêu chí có 44 xã (45,82%) và đạt từ 5-9 tiêu chí có 4 xã (4,2%); cuối năm 2015 có 26/96 xã (chiếm 27,08%) được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới và huyện Phú Quý đạt chuẩn huyện nông thôn mới.
Đạt được những kết quả nêu trên có thể khẳng định rằng: Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới là một chủ trương đúng đắn, thiết thực, phù hợp với sự phát triển của đất nước, nên được sự quan tâm, hưởng ứng mạnh mẽ của đại bộ phận nhân dân. Nhờ đó, tình hình kinh tế nông nghiệp, nông dân và nông thôn tỉnh Bình Thuận tiếp tục chuyển biến tiến bộ; hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển dân sinh, kinh tế - xã hội ở các xã được khang trang, sạch đẹp, góp phần xây dựng bộ mặt nông thôn ngày càng văn minh, hiện đại theo xu hướng phát triển chung của toàn xã hội./.