Những năm gần đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy luôn quan tâm chỉ đạo đối với Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội nhằm phát huy tính sáng tạo, chủ động, sâu sát trong hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh; qua đó, tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện các cuộc phong trào thi đua yêu nước, thực hiện thắng lợi các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Đặc biệt, Công văn số 1080-CV/TU, ngày 02/02/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đặt ra những yêu cầu và những chỉ tiêu, nhiệm vụ rất cụ thể cho Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh. Đồng thời, hàng năm Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cấp ủy các cấp đã định hướng nội dung để Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện vai trò giám sát, phản biện xã hội đối với chính quyền, các cơ quan nhà nước trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách liên quan đến quyền lợi của đoàn viên, hội viên và nhân dân gắn với tham gia góp ý xây dựng đảng, xây dựng chính quyền.
Tuy còn có những hạn chế nhất định, song kể từ khi có Công văn số 1080-CV/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của cấp ủy các cấp cùng với sự nỗ lực cố gắng của đội ngũ cán bộ làm công tác phong trào từ tỉnh đến cơ sở, hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội đã đạt những kết quả nổi bật:
(1) Công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách đến đoàn viên, hội viên và nhân dân được thực hiện với những hình thức sinh động, phù hợp với từng đối tượng; nội dung tuyên truyền được biên tập ngắn gọn, dễ hiểu; kỹ năng hoạt động của đội ngũ tuyên truyền viên, báo cáo viên nhờ được bồi dưỡng, tập huấn nên phát huy hiệu quả tích cực .
(2) Các tiêu chí, quy trình đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở, chất lượng cán bộ, đoàn viên, hội viên thường xuyên được rà soát điều chỉnh để đảm bảo đúng thực chất, sát thực với nhiệm vụ chính trị của từng tổ chức. Quá trình tổ chức thực hiện đã chú trọng việc phát động, tổ chức ký kết giao ước thi đua gắn với thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra.
(3) Công tác giám sát, phản biện xã hội đã trở thành nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, cơ bản đã khắc phục được tình trạng lúng túng ban đầu và nâng dần chất lượng, hiệu quả. Trong 03 năm (2018 – 2020), Mặt trận, đoàn thể các cấp đã tổ chức 1.410 cuộc giám sát và 61 hội nghị phản biện; qua đó, kiến nghị chính quyền, cơ quan nhà nước khắc phục hạn chế, điều chỉnh, bổ sung những vấn đề còn thiếu, chưa sát, chưa phù hợp. Việc theo dõi, đôn đốc xử lý các kiến nghị sau giám sát cũng được chú ý hơn.
(4) Công tác xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình trong việc thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội được phát động rộng rãi trong từng tổ chức, góp phần quan trọng trong triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong thời gian qua. Trong đó nổi rõ là các mô hình, điển hình về “xóa đói, giảm nghèo”, “Bảo vệ, giữ gìn môi trường”, giữ gìn an ninh trật tự, vì cuộc sống cộng đồng…
(5) Đội ngũ cán bộ Mặt trận, đoàn thể sâu sát cơ sở hơn; tham gia sinh hoạt các chi, tổ hội để nắm tình hình đoàn viên, hội viên, nhân dân gắn với động viên, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của cơ sở.
Với những nỗ lực cố gắng nói trên; năm 2020, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tặng Cờ thi đua; Tỉnh đoàn Thanh niên được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng Cờ thi đua; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tặng Bằng khen; Liên đoàn Lao động tỉnh được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng khen.
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới thì Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội phải thường xuyên nghiên cứu, tổng kết, đánh giá và đề ra được những phương thức hoạt động mới hơn, thu hút hơn để đoàn viên hội viên tin tưởng, gắn bó với tổ chức; làm tốt vai trò tập hợp, đoàn kết toàn dân và là cầu nối giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước.