Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đề ra 08 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Trong đó, tập trung nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của chính sách xã hội và năng lực, hiệu lực quản lý nhà nước về chính sách xã hội; thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; phát triển thị trường lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm bền vững cho người lao động; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội; nâng cao phúc lợi xã hội toàn dân, bảo đảm mọi người dân được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản có chất lượng; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ xã hội; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của các cơ quan dân cử, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng trong thực hiện chính sách xã hội. Phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Bình Thuận có GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 7.800 - 8.000 USD, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 2,0 đến 2,5 lần so với năm 2020; tỉ lệ lao động qua đào tạo từ 75 - 80% (trong đó lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ từ 35 - 40%); giải quyết việc làm mới, giai đoạn 2026 - 2030: 120.000 lao động; Phấn đấu đạt khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH; tầm nhìn đến năm 2045, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện hệ thống chính sách xã hội phát triển toàn diện, bền vững, tiến bộ và công bằng, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội cho Nhân dân, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển quê hương và con người Bình Thuận toàn diện.
Xem chi tiết Chương trình số 81-CTr/TU, ngày 26/3/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại đây./.