Phong trào thi đua “Dân vận khéo” được Ban Dân vận Trung ương phát động từ năm 2009. Qua gần 15 năm triển khai thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh, phong trào đã dần đi vào nề nếp, tác động mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội và cộng đồng dân cư; đã xuất hiện nhiều mô hình, điển hình tiêu biểu gắn với các phong trào thi đua yêu nước thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị, an ninh quốc phòng, củng cố xây dựng hệ thống chính trị; chỉ tính từ năm 2022 đến nay, toàn tỉnh đã duy trì và xây dựng mới 2.872 mô hình ở trên tất cả các lĩnh vực: phát triển kinh tế; văn hóa - xã hội; quốc phòng - an ninh; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh... Qua đó góp phần đổi mới công tác dân vận, tăng cường phương thức lãnh đạo của Đảng nhằm huy động cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Kết quả đó cho thấy: Nhận thức của các các cấp ủy đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị ngày càng sâu sắc, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cả hệ thống chính trị làm tốt công tác dân vận; luôn quan tâm lắng nghe, chăm lo, giải quyết có hiệu quả những nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; trong đó chú ý, tập trung hướng về cơ sở bằng cách làm hay, cụ thể, thiết thực; nhiều mô hình đã huy động được nguồn lực từ Nhân dân rất lớn và được Nhân dân đồng tình ủng hộ, như: Mô hình “Lực lượng vũ trang tỉnh đồng hành với nhân dân trong xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Mô hình “Vận động Nhân dân xây dựng lò đốt rác tại hộ gia đình” của Đảng ủy xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc hay Mô hình “Nâng bước cho em đến trường- con nuôi đồn Biên Phòng” của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Mô hình “Vận động Nhân dân đóng góp xây dựng đường giao thông, Tuyến đường ánh sáng-an ninh” của Ban Điều hành khu phố Nam Trung, thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam…tạo sự lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo” trở thành phong trào thường xuyên, liên tục, lan tỏa sâu rộng, mang lại hiệu quả thiết thực, toàn diện hơn, các cấp ủy đảng, chính quyền cần quan tâm thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân về công tác dân vận nói chung và phong trào thi đua “Dân vận khéo” nói riêng; phải thấm nhuần quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận “những người phụ trách công tác dân vận cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”; phải thực sự gần dân, hiểu dân, thương yêu dân, tin vào dân và làm cho dân tin; luôn luôn gương mẫu, đi đầu, nói đi đôi với làm, làm bất cứ việc gì nhằm mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân.
Thứ hai, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức chỉ đạo, tổ chức phong trào thi đua “Dân vận khéo” và nhân rộng các mô hình, điển hình sao cho mỗi điển hình, mô hình "Dân vận khéo" thực sự là cầu nối tích cực giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, giúp dân hiểu đúng và vững tin ở Đảng, Nhà nước, đồng thời giúp Đảng, Nhà nước nắm được những tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân.
Thứ ba, thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, sơ kết định kỳ việc triển khai thực hiện, đánh giá rút kinh nghiệm, kịp thời biểu dương, khen thưởng trong phong trào thi đua "Dân vận khéo” ở các cấp để phong trào ngày càng phát triển, đạt chất lượng cao.
Thứ tư là, tăng cường thông tin, tuyên truyền, phổ biến kịp thời những nội dung về phong trào thi đua “Dân vận khéo”, những nơi có cách làm hay, có phong trào thi đua tốt, những tập thể và cá nhân điển hình để động viên, cổ vũ phong trào./.