Bình Thuận là tỉnh duyên hải cực Nam Trung bộ về mặt địa lý nhưng thuộc khu vực kinh tế miền Đông Nam Bộ về không gian kinh tế. Phía Bắc giáp tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Ninh Thuận, phía Tây giáp tỉnh Đồng Nai, Tây Nam giáp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đông và Đông Nam giáp Biển Đông. Diện tích tự nhiên của tỉnh 7.942,60 km2; dân số trên 1,4 triệu người, với khoảng 769 nghìn lao động; Bình Thuận có bờ biển dài 192km kéo dài từ mũi Đá Chẹt tiếp giáp với Cà Ná thuộc tỉnh Ninh Thuận đến bãi bồi Bình Châu thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, diện tích vùng biển của tỉnh khoảng 20.288 km2, có 40 bãi bồi, đảo đá, bãi cạn, bãi ngầm và một số đối tượng địa lý khác, là một trong ba ngư trường trọng điểm của cả nước. Toàn tỉnh có 10 huyện, thị xã, thành phố với 124 xã, phường, thị trấn, trong đó có 35 xã, phường, thị trấn ven biển thuộc 7 huyện, thị xã, thành phố; có huyện đảo Phú Quý cách thành phố Phan Thiết 57 hải lý và là địa bàn quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh và của cả nước.
Bình Thuận có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế thủy sản với gần 70.000 lao động làm việc trong các lĩnh vực khai thác, nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu và dịch vụ thủy sản. Năng lực khai thác hải sản tiếp tục tăng theo hướng đầu tư tàu thuyền công suất lớn, khai thác xa bờ. Toàn tỉnh hiện có trên 7.865 tàu cá; trong đó có 3.903 tàu cá chiều dài từ 12 mét trở lên, có 1.954 tàu cá chiều dài 15 mét trở lên hoạt động tại vùng khơi, có 170 tàu dịch vụ hậu cần được trang bị hệ thống cấp đông khá hiện đại; công suất bình quân tàu thuyền toàn tỉnh hơn 171 CV/chiếc. Sản lượng khai thác hải sản năm 2023 đạt 231.328 tấn. Đến nay, phần lớn các doanh nghiệp chế biến thủy sản đều áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến HACCP, ISO, ISO 22000:2005...; xây dựng mối liên kết chuỗi từ khâu khai thác đến thu mua, sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, tập trung chủ yếu vào các mặt hàng như mực khô, cá khô tẩm gia vị, các loại thủy sản tươi sống. Ngành Thủy sản đóng góp khoảng 30% giá trị tăng thêm của khu vực nông lâm thủy sản và đóng góp khoảng 8% GRDP của toàn tỉnh; giá trị kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản đạt 250,2 triệu USD, chiếm 32,2% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá toàn tỉnh (theo Báo cáo số 2334/BC-SNN, ngày 03/8/2023 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận và Báo cáo số 39/BC-CCTS, ngày 15/01/2024 của Chi cục Thủy sản Bình Thuận).
Những năm qua, cùng với các chính sách hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh, lực lượng ngư dân tỉnh nhà tiếp tục vươn khơi, bám biển, đẩy mạnh khai thác thủy sản xa bờ, nâng cao hiệu quả kinh tế và góp phần bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức đối với ngư dân. Đời sống của một bộ phận ngư dân còn khó khăn, nhất là vùng bãi ngang ven biển. Nguồn lợi thủy sản ngày càng suy giảm, cạn kiệt, ngư trường bị thu hẹp, trong khi đó, tình hình tranh chấp trên biển Đông diễn biến phức tạp, đã ảnh hưởng đến hoạt động khai thác xa bờ cũng như tâm lý của một bộ phận ngư dân; đáng quan tâm là một số ít chủ thuyền, ngư dân do hám lợi đã bất chấp pháp luật, vi phạm lãnh hải nước ngoài trong quá trình khai thác xa bờ và bị bắt giữ. Trước tình hình trên, để hỗ trợ ngư dân tiếp tục bám biển, vươn khơi, góp phần bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, đồng thời, hạn chế vi phạm quy định khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản rất cần sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, sự chung tay, giúp sức của cộng đồng; trong đó, lực lượng cảnh sát biển đóng vai trò rất quan trọng; thực tế trong thời gian qua mô hình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” trên địa bàn huyện Phú Quý đã mang lại nhiều kết quả thiết thực, giúp ngư dân yên tâm hơn, tiếp tục bám biển, vươn khơi, góp phần giữ vững chủ quyền, quyền chủ quyền biển đảo của tổ quốc.
Xuất phát từ thực tiễn trên; năm 2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận đã cùng với Ban Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát biển ký kết chương trình phối hợp số 01-CTr/ĐUCSB-TUBT, ngày 12/9/2019 để triển khai thực hiện chương trình công tác dân vận “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” trên cơ sở phát triển từ mô hình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”. Qua hơn 04 năm triển khai thực hiện, Chương trình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” đã thực hiện đạt một số kết quả như sau:
1. Đã phối hợp tổ chức 06 đợt tuyên truyền tập trung về đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật Nhà nước; phổ biến, giáo dục pháp luật (Luật biển Việt Nam, Luật Thủy sản, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Phòng chống ma túy, Luật Cảnh sát biển Việt Nam, Công ước Liên hợp Quốc về Luật biển năm 1982...); thông tin về tình hình biển, đảo và Chỉ thị 30-CT/TU, ngày 16/01/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận về “Các nhiệm vụ và giải pháp cấp bách tăng cường quản lý, ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân trong tỉnh khai thác hải sản bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài” thu hút 1.500 ngư dân và cán bộ, đảng viên tham gia; tuyên truyền vận động Nhân dân tích cực tham gia bảo vệ môi trường biển; tổ chức tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử địa phương và truyền thống, nhiệm vụ lực lượng Cảnh sát biển, tác hại của ma túy đối với học đường cho gần 7.000 học sinh, sinh viên trên địa bàn các huyện, thị, thành phố; tổ chức 06 cuộc thi “Em yêu biển, đảo quê hương”... từ đó đã giúp cho ngư dân, học sinh, sinh viên nâng cao nhận thức, trách nhiệm của bản thân trong việc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và trong việc khai thác thủy hải sản xa bờ.
2. Hàng năm, Ban Dân vận Tỉnh ủy tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức các đợt thăm, làm việc với cán bộ, chiến sỹ Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 để trao đổi tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn của tỉnh; qua đó Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 cũng đã cung cấp thông tin liên quan đến thực hiện bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển; bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia; quản lý về an ninh, trật tự, an toàn, bảo đảm việc chấp hành pháp luật Việt Nam và các điều ước Quốc tế mà Việt Nam là thành viên; đồng thời thông qua các hoạt động tuyên truyền tập trung đã vận động Nhân dân tham gia tố giác, báo tin về tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển.
3. Phối hợp tổ chức tốt các hoạt động an sinh - xã hội như tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí gần 1.000 người nghèo, người già neo đơn tại các xã, phường ven biển; trao tặng 2.255 suất quà, 6 túi đựng thuốc y tế, gần 7.000 lá cờ Tổ quốc cho gia đình chính sách, ngư dân nghèo; hỗ trợ, trao 237 suất học bổng, 30 chiếc xe đạp cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học giỏi... với tổng trị giá hơn 3 tỷ đồng; từ đó đã hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân có thêm động lực vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
4. Lực lượng cảnh sát biển luôn là điểm tựa để ngư dân vươn khơi, bám biển, góp phần giữ vững an ninh, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc thông qua việc cung cấp cho ngư dân số điện thoại khẩn cấp và phối hợp thực hiện kịp thời, hiệu quả công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn đối với ngư dân; tham gia khắc phục hậu quả thiên tai và sự cố môi trường trên biển; bảo vệ ngư dân khi ngư dân đánh bắt hải sản trên các vùng biển, khi bị các tàu lạ đâm va, lấy ngư lưới cụ; hỗ trợ, giúp đỡ lương thực, thực phẩm, nước uống, dầu nhớt... cho tàu cá của ngư dân ngoài biển khi gặp khó khăn.
Với những kết quả từ Chương trình và bằng các hoạt động cụ thể, Chương trình phối hợp thực hiện công tác dân vận “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” đã tích cực hỗ trợ ngư dân, hỗ trợ các xã vùng bãi ngang ven biển phát triển dân sinh, kinh tế - xã hội. Qua đó, góp phần phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, của hệ thống chính trị, doanh nghiệp, nhân dân trên địa bàn tỉnh Bình Thuận và lực lượng cảnh sát biển trong xây dựng, bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, an ninh, trật tự, an toàn biển đảo của tổ quốc./.