Nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Trung ương về công tác phụ nữ; 5 năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận đã ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh, nhất là Kế hoạch số 101-KH/TU, ngày 12/7/2018 về thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương đảng (khóa XII) về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới, Kế hoạch số 24-KH/TU, ngày 4/5/2021 về triển khai thực hiện Kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XI) một số vấn đề về chính sách xã hội, giai đoạn 2012 - 2020;… đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí của phụ nữ, về công tác phụ nữ và bình đẳng giới.
Các cấp ủy, chính quyền đã quan tâm, tạo điều kiện để Hội LHPN tham gia vào các hội đồng, các Ban chỉ đạo chuyên đề từ tỉnh đến cơ sở; kịp thời củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động Ban “Vì sự tiến bộ của phụ nữ” các cấp; tập trung triển khai thực hiện tốt các Đề án liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng: Thực hiện Đề án 938 của Thủ tướng Chính phủ về “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017 - 2027”; toàn tỉnh đã thành lập được 264 Câu lạc bộ, tổ, nhóm xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, phòng, chống các tệ nạn xã hội với 4.542 thành viên). Thực hiện Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I: 2021-2025 với kinh phí 2,1 tỷ đồng đã tập trung tổ chức các hoạt động khảo soát, thu thập thông tin, rà soát nhu cầu trong học sinh và người dân, hội viên phụ nữ người đồng bào dân tộc thiểu số để xây dựng các mô hình, CLB và các hoạt động tại địa bàn triển khai dự án; duy trì các tổ tiết kiệm, tổ góp vốn xoay vòng đã giúp cho 2.233 phụ nữ nghèo, cận nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn có vốn sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình; thực hiện 1.181 công trình, phần việc với số tiền trên 25,4 tỷ đồng; vận động tham gia thành lập mới 08 Hợp tác xã/91 thành viên, duy trì 41 tổ hợp tác/347 thành viên, 23 mô hình sinh kế thích ứng với biển đổi khí hậu/421 thành viên. Nhận giúp đỡ 2.233 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ với các hình thức hỗ trợ vay vốn, con giống, hỗ trợ xây nhà ở, qua đó, có 647 hộ thoát nghèo.
Các cấp, các ngành quan tâm thực hiện đảm bảo chủ trương có cán bộ nữ trong cơ cấu cán bộ lãnh đạo chủ chốt; tỷ lệ nữ cấp ủy viên các cấp đạt từ 20 - 25%; tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp đạt trên 35% (Đại biểu Quốc Hội tỉnh: có 01nữ/07 đại biểu, tỷ lệ 14%; đại biểu HĐND tỉnh: có 15 nữ/53 đại biểu, tỷ lệ 28,3%. Đại biểu HĐND cấp huyện: có 96 nữ/339 đại biểu, tỷ lệ 28,32%). Công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ nữ ngày càng được quan tâm hơn; qua 5 năm, toàn tỉnh có 52 cán bộ nữ được đào tạo cao cấp lý luận chính trị, 22 cán bộ nữ được đào tạo thạc sĩ, 36 cán bộ, công chức nữ theo học các lớp đào tạo đại học. Công tác phát triển đảng viên mới là nữ được chú trọng, tỷ lệ nữ được kết nạp Đảng hàng năm đều tăng, đạt trên 40,4%; nâng tỷ lệ đảng viên là nữ trong toàn Đảng bộ tỉnh lên 36,22%.
Hệ thống tổ chức Hội LHPN trong tỉnh được củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động theo hướng tinh gọn, hiệu quả; số lượng hội viên và tổ chức hội ở cơ sở ngày càng phát triển. Từ năm 2018 đến nay, toàn tỉnh đã phát triển được 250.987 hội viên/420.759 phụ nữ, tỷ lệ 59,7%; toàn tỉnh hiện có 10/10 tổ chức hội cấp huyện, 124/124 tổ chức hội cấp xã và 4.574 chi, tổ hội. Các cấp Hội LHPN trong tỉnh đã có nhiều cố gắng trong việc phát huy vai trò, trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao; nội dung, phương thức hoạt động từng bước được đổi mới, chất lượng và hiệu quả công tác ngày càng nâng lên. Tuy nhiên, một số cấp ủy, chính quyền, các ngành, Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội nhận thức chưa thật sự đầy đủ, nên chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng mức đối với công tác phụ nữ. Hội Liên hiệp Phụ nữ tại một số địa phương, đơn vị chưa thật sự chủ động, chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tham mưu cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo về công tác phụ nữ; chất lượng hoạt động không ít nơi vẫn còn mang tính hành chính, hình thức.
Để tiếp tục thực hiện tốt các chủ trương hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện, giúp phụ nữ ngày càng khẳng định vai trò, vị trí quan trọng trong gia đình và xã hội; xây dựng tổ chức Hội LHPN các cấp trong tỉnh có nhiều đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động, thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong công tác phụ nữ; các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cần quan tâm thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
Một là, tiếp tục chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 20/01/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Kế hoạch số 101-KH/TU, ngày 12/7/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới và các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phụ nữ thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIV và Nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp.
Hai là, Ban Cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, bổ sung các nhiệm vụ để bảo đảm cho các cấp Hội LHPN tham gia quản lý nhà nước; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện để tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển; đặc biệt quan tâm đến nội dung thực hiện nguyên tắc bình đẳng giữa nam và nữ về độ tuổi trong quy hoạch, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, nghỉ hưu; thường xuyên củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động “Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ” các cấp; tạo điều kiện về cơ sở vật chất, kinh phí để Hội LHPN các cấp, Ban “Vì sự tiến bộ phụ nữ” hoạt động có hiệu quả.
Ba là, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường các hoạt động liên tịch, phối hợp với Hội LHPN các cấp. Tích cực thực hiện có hiệu quả các hoạt động hỗ trợ phụ nữ, phát huy vai trò nòng cốt xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ hạnh phúc; xây dựng người phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa có sức khỏe, tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động, sáng tạo, có lối sống văn hóa, văn minh và có lòng nhân ái.
Bốn là, Đảng đoàn Hội LHPN tỉnh tăng cường chỉ đạo Hội LHPN các cấp phát huy vai trò nòng cốt trong công tác tham mưu, đề xuất cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo củng cố, kiện toàn tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức hội; tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng sát cơ sở, thiết thực, chuyên nghiệp; tăng cường hoạt động giám sát và phản biện xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền; phát huy tính chủ động, sáng tạo của các cấp hội trong đề xuất, tham mưu tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với phụ nữ để giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc, những vấn đề đặt ra trong công tác phụ nữ và tổ chức hội ở cơ quan, đơn vị, địa phương.
Năm là lãnh đạo các cơ quan, đơn vị vận động, khuyến khích cán bộ, hội viên, phụ nữ tự học tập nâng cao trình độ về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới./.