Chủ trì tại điểm cầu Trung tâm (Hà Nội) có các đồng chí Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; đ/c Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư đảng đoàn, Chủ tịch Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Chánh án Toà án nhân dân tối cao; đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đồng chủ trì hội nghị.
Chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bình Thuận có đồng chí Dương Văn An - Phó Bí thư Tỉnh ủy; tham dự có đại diện lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh và một số sở, ban, ngành liên quan. Hội nghị được kết nối trực tuyến đến 10 điểm cầu huyện, thị, thành ủy thuộc tỉnh.
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh: hoạt động hòa giải vừa là nhu cầu khách quan, vừa là chủ quan, tất yếu của cuộc sống, là cách thức để giải quyết những bức xúc, mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư; bản chất của hoạt động hòa giải chính là công tác dân vận. Hoạt động hòa giải bao quát hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội; thực hiện tốt công tác hòa giải sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở các địa bàn dân cư.
Hội nghị đã nghe báo cáo của Ban Cán sự đảng Bộ Tư pháp, Đảng đoàn Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ban Cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao về kết quả phối hợp thực hiện công tác hòa giải và 08 ý kiến phát biểu của các địa phương về những kết quả, điển hình, mô hình hay trong công tác hòa giải. Tại hội nghị, đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ cũng có bài phát biểu quan trọng về công tác dân vận trong hoạt động hòa giải.
Phát biểu bế mạc hội nghị, đồng chí Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Tư pháp thay mặt cho chủ trì Hội nghị đánh giá cao những kết quả đạt được của công tác hòa giải trong thời gian qua; ghi nhận các ý kiến góp ý, kiến nghị của các tổ chức, các ngành Trung ương và các địa phương. Đồng thời, đề nghị các địa phương, đơn vị cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ hơn nữa để thực hiện tốt kỹ năng dân vận khéo trong hoạt động hòa giải; ngành tư pháp tiếp tục triển khai Luật hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành; củng cố, kiện toàn đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở; tăng cường tuyên truyền vị trí, vai trò của công tác hòa giải ở cơ sở, xem đây là phương thức quan trọng trong giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp, xung đột tại cộng đồng dân cư.