Bình Thuận là một địa bàn chiến lược quan trọng và cũng là nơi gánh chịu những hậu quả tàn khốc của chiến tranh, trong đó hậu quả do vũ khí hóa học vẫn còn rất nặng nề, tiếp tục ảnh hưởng đến môi trường, hệ sinh thái, hủy hoại sức khỏe của người dân trên địa bàn. Theo số liệu thu thập, từ năm 1962 - 1970 quân đội Mỹ đã rải xuống Bình Thuận khoảng 2,6 triệu lít chất độc hóa học; trong đó, chất da cam/dioxin 1,9 triệu lít (chiếm 74%), chất trắng 448 ngàn lít, chất xanh 162,3 ngàn lít và một số chất khác khoảng 57 ngàn lít. Theo số liệu chưa đầy đủ, toàn tỉnh có hơn 5.000 nạn nhân bị nhiễm và phơi nhiễm chất độc hóa học; trong đó, nhiều cán bộ, chiến sĩ, dân quân tham gia chiến đấu trên các chiến trường phải gánh chịu hậu quả của chất độc hóa học; hầu hết các nạn nhân, gia đình nạn nhân là người nghèo, hộ nghèo phải hứng chịu nhiều căn bệnh quái ác, phải chịu đựng đau khổ, tổn thất cả về vật chất lẫn tinh thần do tác hại của chất độc hóa học gây ra.
Tại Bình Thuận, ngày 21/8/2015, Ban Thường vụ Tỉnh ủy (Khóa XII) đã ban hành Chương trình hành động số 36-NQ/TU để triển khai thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW, ngày 14/5/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo chỉ đạo của Trung ương và Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Qua 05 năm triển khai thực hiện, công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã đạt được kết quả tích cực. Các cấp, các ngành đã quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện, chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin, tổ chức khảo sát nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn (Toàn tỉnh có 6.354 người nhiễm và nghi nhiễm chất độc da cam; trong đó, tham gia hoạt động kháng chiến 2.173 người, dân thường và đối tượng khác 3.653 người; 2258 hộ gia đình có từ 1 - 2 nạn nhân; 288 hộ có 3 nạn nhân; 31 hộ có 4 nạn nhân trở lên). Thành lập tổ chức Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tại 9/10 huyện, thị, thành phố và 99/127 xã, phường, thị trấn với 4.713 hội viên. Thực hiện đồng bộ, kịp thời các chính sách, giải pháp hỗ trợ cho các đối tượng bị nhiễm và nghi nhiễm chất độc da cam, như: Trợ cấp đối với người khuyết tật nặng 405.000 đồng/tháng, đặc biệt nặng 540.000 đồng/tháng, người phục vụ người khuyết tật đặc biệt nặng 270.000 đồng/tháng; cấp thẻ bảo hiểm y tế, giải quyết chế độ mai táng phí khi qua đời. Giải quyết đầy đủ chế độ trợ cấp cho hơn 1.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Trợ giúp xã hội đối với 16.240 người nhiễm/nghi nhiễm CĐHH/dioxin không thuộc đối tượng hưởng trợ cấp xã hội; khám và giám định cho hàng trăm người bị phơi nhiễm chất độc hóa học. Riêng hệ thống Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin trong tỉnh đã vận động, giúp đỡ nạn nhân chất độc hóa học với tổng giá trị 28,59 tỷ đồng (trao trực tiếp cho nạn nhân, gia đình nạn nhân 27,08 tỷ đồng bằng các hình thức xây nhà, sửa nhà, hỗ trợ vốn sản xuất, chăn nuôi; trợ cấp hàng tháng, học bổng, khám bệnh, cấp thuốc, tặng quà...)... Qua các hoạt động đã giúp nạn nhân chất độc hóa học vơi đi những mất mát, đau khổ để hòa nhập với cộng đồng; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, xã hội, của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong việc khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam nói chung và trên địa bàn tỉnh Bình Thuận nói riêng.
Để tiếp tục thực hiện tốt công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam, các cấp, các ngành cần quán triệt sâu sắc, triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chương trình hành động số 36-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn. Rà soát, khảo sát và thực hiện kịp thời, đầy đủ chế độ, chính sách đối với người bị nhiễm chất độc hóa học. Củng cố, kiện toàn tổ chức Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp hoạt động hiệu quả, thiết thực; tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt chủ trương, chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam và Cuộc vận động “Vì Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam” và phong trào “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam”. Tiếp tục phối hợp các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế đấu tranh buộc chính phủ Mỹ phải tham gia tích cực hơn vào việc khắc phục hậu quả chất độc hóa học ở Việt Nam; thực thi công lý, bồi thường cho nạn nhân chất độc hóa học Việt Nam nói riêng và các nạn nhân trên thế giới nói chung./.