Giới nữ ở Bình Thuận hiện chiếm 49,9% dân số và 47% lực lượng lao động toàn tỉnh; đây là lực lượng đông đảo góp phần tích cực và đóng góp to lớn vào sự nghiệp đổi mới đất nước, xây dựng quê hương giàu đẹp. Những năm qua, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) và Chương trình hành động số 08-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XI) về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể và đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên về vai trò, vị trí của phụ nữ và tầm quan trọng của công tác phụ nữ trong thời kỳ mới; thể hiện tinh thần trách nhiệm hơn trong chăm lo, tạo điều kiện để phụ nữ phát huy phẩm chất tốt đẹp của mình; trong tham gia xây dựng tổ chức hội phụ nữ, xây dựng đội ngũ cán bộ nữ và thực hiện bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ. Các chương trình, đề án nhằm tạo điều kiện, cơ hội tốt hơn cho phụ nữ trong học tập, nâng cao trình độ, năng lực, giải quyết việc làm, phát triển kinh tế, giảm nghèo, chăm sóc sức khỏe, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc đã được các cấp, các ngành cụ thể hóa và triển khai thực hiện khá kịp thời. Đội ngũ giới nữ trong tỉnh đã phát huy được phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam và ngày càng phát huy vai trò, vị thế của mình trên các lĩnh vực đời sống xã hội; không ngừng học hỏi, rèn luyện, hoàn thiện về tri thức để tiếp cận, nắm bắt kịp thời kiến thức khoa học phục vụ công tác, cuộc sống; tham gia tích cực, chủ động thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân, tham gia đóng góp xây dựng đảng, xây dựng chính quyền ở địa phương... Các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ trong tỉnh đã có nhiều nỗ lực, cố gắng phát huy vai trò, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao; đẩy mạnh phát động và hướng dẫn phụ nữ tham gia các phong trào thi đua yêu nước đạt hiệu quả thiết thực; tập trung hướng mạnh các hoạt động về cơ sở, sâu sát hội viên, phụ nữ; tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, phát huy phẩm chất và truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam. Bằng nhiều hình thức tập hợp đa dạng, các cấp hội đã vận động, xây dựng được 4.479 tổ hội, 719 chi hội và thu hút, tập hợp được 223.757 hội viên (chiếm 77,6 % so với tổng số phụ nữ); chất lượng hoạt động của các cơ sở hội ngày được nâng lên và hiệu quả, đến cuối năm 2015 tỷ lệ cơ sở hội đạt vững mạnh chiếm 93,9% tổ chức, không còn cơ sở hội yếu kém. Trên lĩnh vực kinh tế ngày càng có nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp do giới nữ làm chủ, từng bước khẳng định được thương hiệu, vị thế trên thị trường và trong xã hội, qua đó đã xuất hiện nhiều nữ doanh nhân thành đạt; trên một số lĩnh vực (như giáo dục, y tế) phụ nữ đóng vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành; các mô hình ”phụ nữ 3 trong 1”,”Địa chỉ tin cậy”, các đội ”Nữ dân phòng” xã Hàm Minh (Hàm Thuận Nam), xã Tân Tiến (La Gi)... đã góp phần giữ gìn an ninh trật tự, phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong từng gia đình và cộng đồng. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn, bố trí, đề bạt cán bộ nữ và phát triển đảng viên nữ được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm nhiều hơn trước; đến nay, có 1.139 cán bộ nữ được đào tạo lý luận chính trị; 732 cán bộ, công chức nữ được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ; 523 cán bộ nữ tham gia cấp ủy đảng các cấp nhiệm kỳ 2015- 2020 và 1.107 cán bộ nữ là đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016- 2021; trong đó, có 61 cán bộ hội phụ nữ được đề bạt, bổ nhiệm giữ các chức vụ lãnh đạo đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể các cấp. Tỷ lệ nữ được kết nạp Đảng hàng năm đều tăng, đến nay tỉ lệ đảng viên là nữ trong toàn tỉnh lên 35,91% (tăng 4,36% so với năm 2010).
Cán bộ phụ nữ tham gia giao lưu liên hoan hát ru và hát dân ca
Trước yêu cầu ngày càng cao của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đòi hỏi người phụ nữ phải tỏ rõ hơn nữa vai trò, khả năng, sức sáng tạo của mình trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; đồng thời, phải thực hiện hài hòa hai vai “việc nhà”, “việc nước” để vừa có cơ hội phát triển cho bản thân, vừa giữ lửa hạnh phúc gia đình; muốn vậy, giới nữ phải mạnh mẽ gạt bỏ những tự ti, ngại phấn đấu..., tích cực học hỏi, rèn luyện để trở thành người có văn hoá, hoàn thiện về tri thức, có kỹ năng sống và khả năng tiếp cận, nắm bắt kiến thức khoa học để nâng cao vị thế của phụ nữ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đây vừa là yêu cầu khách quan của đất nước, vừa đòi hỏi sự vươn lên của bản thân phụ nữ. Do đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp trong tỉnh phải đổi mới hơn nữa nội dung, phương thức hoạt động cho phù hợp với từng đối tượng phụ nữ; phát động rộng rãi, nâng cao hơn nữa chất lượng các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực đời sống xã hội, nhất là phát huy tốt vai trò của phụ nữ trong việc rèn luyện phẩm chất đạo đức theo tiêu chí “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”, giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng người phụ nữ có nhân cách, đạo đức, lối sống đẹp nhằm ngăn chặn các biểu hiện xuống cấp, lệch lạc trong đạo đức xã hội hiện nay, để từ đó góp phần tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ mà Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) và Chương trình hành động số 08-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XI) về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trên địa bàn tỉnh trong thời gian đến; đồng thời, thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội đại biểu phụ nữ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIV dự kiến diễn ra vào trung tuần tháng 12/2016./.