Tỉnh Bình Thuận có 34 dân tộc thiểu số, với 101.733 khẩu/24.187 hộ, chiếm 8% dân số toàn tỉnh. Tiếp tục thực hiện đường lối nhất quán của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc và đại đoàn kết toàn dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, qua 05 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Thuận lần thứ II, giai đoạn 2014 - 2019, đồng bào các dân tộc thiểu số đã cùng với nhân dân trong tỉnh đoàn kết, thống nhất, khắc phục khó khăn, thực hiện đạt kết quả tích cực trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh. Đại đa số đồng bào chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phấn khởi trước sự phát triển của địa phương; nâng cao ý thức tự lực, tự cường, thi đua lao động sản xuất, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố lòng tin của đồng bào đối với Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền địa phương.
Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Thuận lần thứ II, giai đoạn 2014 - 2019, đã đạt được một số kết quả nổi bật là: Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành nhiều văn bản để triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách dân tộc trên các lĩnh vực kinh tế, an sinh xã hội, quốc phòng an ninh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (3 nghị quyết, 6 quyết định, 3 kế hoạch...). Thực hiện lồng ghép các nguồn vốn của Trung ương và địa phương triển khai chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số với tổng nguồn vốn gần 650 tỷ đồng; đầu tư xây dựng 255 công trình thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; cấp thêm 2.020 ha đất sản xuất cho 1.831 hộ, nâng tổng diện tích đất cấp cho đồng bào dân tộc thiểu số lên 15.281,08 ha/14.279 hộ, bình quân trên 01 ha/hộ, căn bản giải quyếtđất sản xuất cho đồng bào; ổn định giao khoán quản lý, bảo vệ 86.252,59ha rừng/2.381 hộ, bình quân 36,3 ha/hộ, với tiền công từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng/ha/năm; đầu tư 03 dự án định canh, định cư với 12.900 triệu đồng để bố trí cho 276 hộ đồng bào ổn định cuộc sống; thực hiện tốt chế độ trợ cấp đối với 44.137 lượt học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số với tổng số tiền 65.538 triệu đồng; có 10 di tích của đồng bào dân tộc Chăm, Hoa được xếp hạng (5 di tích quốc gia và 5 di tích cấp tỉnh); bảo tồn tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số được chú trọng, hầu hết dân tộc thiểu số có dân số đông (Chăm, Raglai, K’Ho, Chơro, Hoa, Gia Rai...) đều sử dụng tiếng nói của dân tộc mình trong sinh hoạt cộng đồng. Tính đến cuối năm 2018, 100% xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có đường ô tô thảm nhựa thông suốt đến trung tâm xã; 100% xã được phủ sóng truyền hình, phát thanh; 98% hộ sử dụng điện lưới quốc gia; 88,3% hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh; 17/17 xã thuần đồng bào dân tộc thiểu số có nhà văn hóa; 100% thôn, bản có nhà sinh hoạt cộng đồng; 100% số hộ đồng bào dân tộc thiểu số vùng khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm còn 21,6%; 4/17 xã thuần đồng bào dân tộc thiểu số được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số được giữ vững. Hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc thiểu số được củng cố, kiện toàn; cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Ghi nhận thành tích của các địa phương, đơn vị qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Thuận lần thứ II, giai đoạn 2014 - 2019, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đã ban hành Quyết định tặng Bằng khen cho 18 tập thể và 41 cá nhân.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác dân tộc và đại đoàn kết toàn dân tộc, các cấp, các ngành trong tỉnh cần quan tâm một số nội dung: Một là, tiếp tục quán triệt, tuyên truyền sâu rộng các nghị quyết, chỉ thị... của Trung ương, Chính phủ và các văn bản của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân trong công tác dân tộc và đại đoàn kết toàn dân tộc. Hai là, rà soát, bổ sung các chương trình, kế hoạch để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã được Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác dân tộc, gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Thuận lần thứ III - năm 2019. Ba là, đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” với phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, gắn với phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới" ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đấu tranh ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc. Bốn là, thường xuyên chăm lo xây dựng hệ thống chính trị ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Năm là, tăng cường công tác kết nghĩa giữa các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, huyện với các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong thực hiện các chủ trương, chính sách dân tộc; chú trọng xây dựng, nhân rộng và biểu dương, khen thưởng các mô hình, điển hình trong phong trào thi đua “Dân vận khéo”, tạo sự lan tỏa trong cán bộ, đảng viên và cộng đồng dân cư tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số./.